Phát triển cây ăn quả là hướng thoát nghèo bền vững ở Phú Thọ

Phát triển cây ăn quả là hướng thoát nghèo bền vững ở Phú Thọ
Khai thác tiềm năng đất đồi trung du, nhiều hộ dân ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã đưa bưởi diễn vào trồng. Ảnh: baophutho.vn
Khai thác tiềm năng đất đồi trung du, nhiều hộ dân ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) đã đưa bưởi diễn vào trồng. Ảnh: baophutho.vn
Phú Thọ được biết đến với nhiều loại cây ăn quả nổi tiếng như: Bưởi Đoan Hùng, Hồng Hạc Trì, Hồng Gia Thanh... Gần như mùa nào quả ấy, người dân trong tỉnh đã quen với các loại quả phù hợp với thổ nhưỡng để từ đó trồng loại cây thích hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Xã Bằng Luân, huyện miền núi Đoan Hùng có tổng diện tích 170 ha đều là giống bưởi đặc sản Đoan Hùng. Cả xã có 1.400 hộ thì có tới 1.200 hộ trồng bưởi đặc sản. Hộ ít có vài cây, hộ nhiều có từ 100 cây trở lên và cho thu hoạch tốt. Nhờ việc thâm canh, chăm sóc cây bưởi đúng kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, kết hợp với thụ phấn bổ sung nên năng suất bưởi tăng cao, quả đều, mẫu mã đẹp. Bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng. Nhiều hộ có vườn bưởi đã trở thành tài sản lớn của gia đình với mức thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Ông Đỗ Văn Chính, xã Bằng Luân chia sẻ, sau khi tìm hiểu về kỹ thuật thâm canh cây bưởi, ông đã bàn với vợ và thuê máy ủi về phá bỏ vườn tạp, san gạt cải tạo mảnh vườn 1 ha thành các lô để trồng 250 cây bưởi Bằng Luân; đồng thời, xây một hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, bò để lấy phân chăm bón cho bưởi. Nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nên vườn nhà ông luôn xanh tốt, tỷ lệ đậu quả cao, cho thu hoạch khá cao. Chỉ tính riêng trong năm 2017, vườn bưởi của gia đình đã thu lãi gần 200 triệu đồng từ 200 gốc bưởi. Còn 50 cây bưởi còn lại, ông để bán lẻ và phục vụ cho gia đình. Nguồn thu này đã giúp gia đình ông nâng cao chất lượng cuộc sống và trở thành hộ có kinh tế khá giả. Ông Vũ Khánh Hiệp, thôn 2, xã Phương Trung, huyện Đoan Hùng cho biết, gia đình có 750 gốc bưởi đặc sản, chủ yếu là bưởi Sửu và bưởi Bằng Luân, còn một số ít là bưởi diễn và bưởi Khả Lĩnh. Theo tính toán của ông Hiệp, bình quân mỗi cây bưởi cho thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng. Nếu bán cùng 1 lúc cả 750 cây bưởi thì thu nhập ít nhất cũng được gần 1 tỷ đồng. Bưởi đặc sản Đoan Hùng từ lâu nổi tiếng khắp cả nước bởi mùi thơm đặc biệt, vị ngọt mát, vỏ mỏng, tôm mọng nước là món quà mà bất kỳ du khách nào khi đến Phú Thọ đều muốn được thưởng thức. Cũng chính về thế mà bưởi Đoan Hùng đã được gắn thương hiệu đặc sản với tên gọi “Bưởi Đoan Hùng − Hương vị đất tổ”. Hai giống bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân trở thành tài sản quốc gia được nhà nước bảo hộ vô thời hạn, qua đó giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu bền vững trên cây bưởi. Không chỉ có bưởi Đoan Hùng, cây bưởi Diễn cũng phát triển mạnh ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Đoan Hùng, Thanh Sơn, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy... Tính đến nay diện tích bưởi Diễn toàn tỉnh đạt trên 2.000 ha, đưa tổng diện tích bưởi toàn tỉnh đạt 3.300 ha. Cùng với cây bưởi, cây hồng không hạt đã được UBND huyện Phù Ninh đã tiến hành dự án đầu tư phát triển hồng Gia Thanh giai đoạn 2012 - 2015 với diện tích trồng mới là 30 ha. Đến nay, diện tích hồng không hạt trên địa bàn tỉnh có hàng trăm ha. Đến huyện vùng núi như Thanh Sơn, ngoài cây bưởi Diễn, người dân mở rộng diện tích trồng táo, nhãn, chuối phấn vàng. Xã Lương Nha đã hình thành vùng táo tập trung quy mô 13 ha và nhiều giống cây ăn quả khác. Phát huy lợi thế vùng đất đai màu mỡ với diện tích hơn 1 ha ông Ngô Quốc Hương ở xóm Lở xã Lương Nha đã tập trung trồng nhiều cây ăn quả. Ông Hương bộc bạch, hơn 10 năm tôi đã trồng rất nhiều loại cây ăn quả như: táo, bưởi, hồng... Cách đây 5 năm, ông Hương tập trung trồng thêm cây nhãn bởi đây là loại nhãn cho thu hoạch muộn thích hợp với đất đai vùng này và được thị trường ưa chuộng. Đến nay, gia đình ông Hương đã có hơn 200 cây nhãn, vào mùa nhãn thương lái đến tận vườn thu mua. Mỗi vụ gia đình ông cung cấp cho thị trường hơn 2 tấn nhãn, thu khoảng 50 triệu đồng. Ngoài cây nhãn, gia đình ông còn đầu tư trồng bưởi và chăn nuôi, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn khó khăn do tập quán sản xuất nhỏ, manh mún, chưa quan tâm đến sản xuất hàng hóa còn tồn tại ở một bộ phận không nhỏ người dân. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước, cấp trên còn khá phổ biến, việc huy động nguồn lực trong dân còn hạn chế. Một bộ phận chưa tích cực đẩy mạnh đầu tư thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, công nghệ bảo quản, sơ chế chưa được đầu tư... Do vậy, để phát triển các loại cây ăn quả trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các loại cây ăn quả hiệu quả cao này vào áp dụng sản xuất Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ cho biết, theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2020, diện tích bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn đạt 5.000 ha. Theo chỉ đạo của tỉnh các địa phương tiến hành quy hoạch diện tích trồng mới bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn; tổ chức tuyển chọn, bình tuyển cây đầu dòng (bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn), vườn cây đầu dòng để làm vật liệu sản xuất giống; đầu tư cơ sở vật chất cho các vườn ươm giống đảm bảo cung ứng đủ giống bưởi đạt yêu cầu về tiêu chuẩn và chất lượng cho các hộ nông dân; đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện mẫu mã quả; nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản phục vụ lễ hội Đền Hùng. Đồng thời tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giữ vững và phát triển thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng. Tỉnh cũng tiếp tục hỗ trợ, mở rộng phát triển cây Hồng Hạc Trì, Hồng Gia Thanh; đồng thời quy hoạch lại diện tích trồng nhãn, vải để người dân có thể tham gia trồng với quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải tính toán đến đầu ra, tránh trường hợp trồng theo phong trào… Bên cạnh đó, căn cứ điều kiện của từng địa phương mở rộng phát triển các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: hồng, cam, quýt...; đẩy mạnh tích tụ tập trung ruộng đất để sản xuất thành vùng hàng hóa với quy mô lớn gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; khuyến khích thúc đẩy các hình thức liên kết trong sản xuất: liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp và các đối tác kinh tế khác (HTX, trang trại…) trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và giải quyết thị trường đầu ra cho sản phẩm để thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nhằm phát triển cây ăn quả một cách bền vững.
Tạ Văn Toàn

Có thể bạn quan tâm