Phát triển các loại hình, sản phẩm thu hút du khách đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng

Vượn được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN
Vượn được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Được thành lập từ năm 2002, Vườn Quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) có chức năng bảo tồn mẫu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn; bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ di tích lịch sử của các cuộc kháng chiến cứu nước; đồng thời, phục vụ các mục tiêu nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, giải trí và nghỉ dưỡng. Việc thực hiện các nhiệm vụ này góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái, gia tăng độ che phủ rừng; đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát triển các loại hình, sản phẩm thu hút du khách đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng ảnh 1Giang Sen được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Vườn Quốc gia U Minh Thượng nằm trên địa bàn hai xã Minh Thuận và An Minh Bắc (thuộc huyện U Minh Thượng), có tổng diện tích tự nhiên hơn 8.500 ha; trong đó, rừng đặc dụng trên 8.000 ha, còn lại là rừng phòng hộ. Đây là một trong hai khu vực quan trọng của rừng đầm lầy than bùn còn lại ở Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN và Khu Bảo tồn đất ngập nước (khu Ramsar) đặc biệt quan trọng của Việt Nam và thế giới.

Phát triển các loại hình, sản phẩm thu hút du khách đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng ảnh 2Vượn được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Hiện nay, Vườn có 72 loài động, thực vật quý, hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục Đỏ IUCN 2012. Hệ động vật nơi đây rất phong phú với 32 loài thuộc 10 họ, 7 chi; 54 loài bò sát lưỡng cư (trong đó có 8 loài được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam như: trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chuột, tắc kè...); 34 loài cá (trong đó có hai loài là cá trê trắng và cá thác lác được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam; các loài tiêu biểu khác như: cá lóc, cá lóc khổng lồ, cá rô, cá thòi lòi…).

Phát triển các loại hình, sản phẩm thu hút du khách đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng ảnh 3Cầy vòi hương được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng Hoàng Văn Tuấn cho biết, từ khi thành lập đến nay, với sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã đạt được kết quả tốt về bảo vệ rừng, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn cũng như các giá trị văn hóa lịch sử hiện hữu. Bên cạnh đó, đơn vị còn thực hiện tốt các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục về bảo tồn, khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, góp phần cùng chính quyền địa phương phát triển, ổn định đời sống người dân trong vùng. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhất là từ sau khi COVID-19 (năm 2022) đến nay, lượng du khách đến tham quan thưa dần.

Phát triển các loại hình, sản phẩm thu hút du khách đến Vườn Quốc gia U Minh Thượng ảnh 4Rái cá vuốt má được nuôi dưỡng tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Ảnh: Lê Sen - TTXVN

Năm 2023, Vườn tiếp đón chưa đến 30.000 lượt khách (đạt 63% kế hoạch năm), doanh thu đạt 3 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa có nguồn vốn đầu tư vào du lịch sinh thái. Một số dịch vụ vui chơi giải trí chưa phát triển, nguồn tài nguyên cá đồng ngày một suy giảm (dành cho khách đến trải nghiệm câu cá). Doanh thu từ du lịch còn ít nên việc tái đầu tư chưa tương xứng tiềm năng sẵn có. Bên cạnh đó, tại khu cứu hộ động vật hoang dã (nơi để du khách đến tham quan, tìm hiểu), một số chuồng nuôi chưa phù hợp với một số loài dẫn đến công tác cứu hộ chưa cao; trang thiết bị và dụng cụ phục vụ cho công tác điều trị và tiếp nhận còn hạn chế…

Theo ông Hoàng Văn Tuấn, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được xem là một trong những điểm đến của du khách ở Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố miền Trung, miền Bắc với lượng du khách đến tham quan ở thời điểm bình thường trước năm 2021, bình quân gần 50.000 lượt/năm. Thời gian tới, Vườn tiếp tục khai thác các tiềm năng tự nhiên về cảnh quan, môi trường và đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, văn hóa, di tích lịch sử để phát triển du lịch sinh thái. Đơn vị sẽ phát triển thêm các loại hình và sản phẩm phục vụ việc nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học, làm phong phú thêm các hoạt động du lịch của địa phương (như: câu cá giải trí, ngắm cảnh quan, trải nghiệm sông nước, tham quan khu cứu hộ động thực vật...). Đồng thời, Vườn sẽ quy hoạch và đầu tư bài bản về hạ tầng du lịch (như: bãi đậu xe ngoài bìa rừng, sử dụng phương tiện không gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong rừng…); triển khai dịch vụ câu cá giải trí có kiểm soát để khai thác bền vững các loài thủy sản và các loài động vật khác.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng đang tập trung quản lý bảo vệ, bảo tồn gắn với phát triển du lịch sinh thái; trong đó, tập trung tổ chức tuần tra, truy quét các tổ chức, cá nhân phá hoại rừng; khai thác, tàng trữ, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng, thủy sản trái phép. Theo Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Thượng Hoàng Văn Tuấn, để "vực dậy" khu du lịch sinh thái của Vườn, trước hết, cần đầu tư kinh phí để xây dựng hệ thống chuồng trại, khu điều trị và chăm sóc động vật để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng động vật hoang dã. Tỉnh cần quan tâm đầu tư về hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách gắn với khai thác du lịch bền vừng, an toàn, thân thiện môi trường; có chế độ, chính sách cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng phù hợp.

Lê Sen

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm