Phát triển bền vững cây thanh long (Bài 1)

Phát triển bền vững cây thanh long (Bài 1)

Long An và Tiền Giang nằm trong số địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước. Nhiều năm qua, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này đã giúp người nông dân vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID -19 đã khiến cho hoạt động tiêu thụ khó khăn, giá cả xuống thấp khiến cho người trồng thua lỗ. Nhiều người đã chọn giải pháp phá bỏ vườn thanh long để chuyển đổi sang cây trồng khác hoặc bỏ vườn hoang hóa, hư hại. Chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân không nên nóng vội phá bỏ vườn, đồng thời, tăng cường thực hiện các giải phá để duy trì và phát triển thanh long một các bền vững.

Phát triển bền vững cây thanh long (Bài 1) ảnh 1Hàng ngàn ha thanh long bỏ hoang, hư hại ở huyện Châu Thành, Long An. Ảnh: Bùi Giang-TTXVN

Bài 1: Nông dân gặp khó

Từng là cây trồng giúp người nông dân ở Long An, Tiền Giang làm giàu, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc tiêu thụ thanh long của nông dân các địa phương này gặp nhiều khó khăn. Người dân đầu tư trồng thanh long đang phải chịu cảnh thua lỗ.

Đi lên nhờ cây thanh long

Huyện Châu Thành và Chợ Gạo vốn được biết đến là thủ phủ trồng cây thanh long của tỉnh Long An và Tiền Giang. Trong nhiều năm qua, diện tích trồng thanh long không ngừng phát triển ở các địa phương này. Chỉ tính riêng huyện Châu Thành đã chiếm gần 90% điện tích thanh long của tỉnh Long An. Tương tự, tại tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 9.700 ha thanh long, tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Gạo. Cây thanh long từng giúp người nông dân ở các địa phương này đổi đời, vươn lên làm giàu. Đồng thời, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp hai tỉnh Long An và Tiền Giang, thời điểm từ năm 2019 trở về trước, mỗi ha trồng thanh long có thể thu về lợi nhuận trên 500 triệu đồng mỗi năm.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, cây thanh long thích nghi tốt ở cả 3 vùng đất trên địa bàn tỉnh gồm phù sa, mặn, phèn. Lợi nhuận thu được cao hơn 10 lần so với trồng lúa. Do vậy, diện tích trồng trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh chóng.

Phát triển bền vững cây thanh long (Bài 1) ảnh 2Bên cạnh những vườn thanh long bỏ hoang, nhiều người dân vẫn chăm sóc vườn với hy vọng hoạt động sản xuất thanh long sẽ phục hồi và phát triển. Ảnh: Bùi Giang-TTXVN

Tại các thủ phủ trồng thanh long, nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhiều nhà nông đã làm giàu từ cây thanh long, góp phần đưa nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc và địa phương đạt thành quả tốt trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như trường hợp ông Trương Quang An ở huyện Châu Thành, Long An, những năm trước, ông đều đặn thu về khoản tiền hơn 4 tỷ đồng lợi nhuận từ việc trồng thanh long. Đồng thời, ông cũng vận động hơn 40 hộ dân khác cùng tham gia thành lập Hợp tác xã Thanh long Tầm Vu, mỗi năm xuất khẩu hàng nghìn tấn thanh long sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Hay hộ gia đình ông Lê Văn Thủy ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang đã cùng với các xã viên của Hợp tác xã Sản xuất thanh long Mỹ Tịnh An phát triển mô hình trồng thanh long leo giàn đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP mang lại nguồn lợi nhuận ổn định mỗi năm. Nhờ đó, gia đình ông đã mua thêm đất để mở rộng mô hình trồng thanh long theo kỹ thuật leo giàn theo hướng sản xuất hữu cơ, sinh học. Theo ông, mỗi năm mô hình trồng thanh long của gia đình ông thu về lợi nhuận trên 1 tỷ đồng.

Nông dân gặp khó


Từ năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhiều nơi trên thế giới và cả Việt Nam. Trung Quốc, thị trường chính tiêu thụ nông sản của Việt Nam thực hiện nhiều chính sách nghiêm ngặt để phòng chống dịch. Đồng thời, nước này cũng tăng cường thực hiện tiêu chuẩn nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản nhập khẩu. Chính điều này khiến cho nhiều mặt hàng nông sản; trong đó, có thanh long liên tục rớt giá. Có thời điểm, giá thanh long chỉ có ở mức từ 1.000 – 3.000 đồng/kg, thậm chí là bán không ai mua. Người trồng thanh long không thu được lợi nhuận, thậm chí bị thua lỗ.

Phát triển bền vững cây thanh long (Bài 1) ảnh 3Nhiều người đã phá bỏ vườn thanh long để chuyển sang cây trồng khác như mai, bưởi, dừa. Ảnh: Bùi Giang-TTXVN

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Hợp tác xã Thiên Phúc ở xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết, hợp tác xã có khoảng 500 ha thanh long sản xuất theo chuẩn VietGAP. Cũng như nhiều đơn vị khác, thời gian qua, việc tiêu thụ thanh long gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn thanh long của hợp tác xã đều xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc do xuất khẩu chính ngạch đòi hỏi doanh nghiệp phải có đầy đủ thủ tục, còn xuất khẩu tiểu ngạch chỉ cần điện thoại qua là mua được. Từ đó, dẫn đến tình trạng nếu nước bạn hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch thì trái thanh long dễ dàng bị ùn ứ, giá rẻ hoặc thương lái không thu mua vì không xuất được.

Anh Nguyễn Trúc Hiếu ở xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cho biết, trước đây, trồng thanh long cho thu nhập cũng ổn, nhưng giờ thì quá rẻ. Hai vụ gần nhất đều lỗ, giờ mà đầu tư xông đèn mùa nghịch vụ thì rủi ro cao quá vì sợ tái diễn cảnh thanh long chín đầy vườn mà không ai mua.

Liên tục nhiều vụ, người nông dân trồng thanh long phải gặp cảnh tiêu thụ khó khăn, mất rớt. Có những thời điểm thanh long đến ngày thu hoạch nhưng thương lái không thu mua vì xuất khẩu không được, người dân phải chứng kiến cảnh trái chính rụng đầy vườn. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng cao, giá cả nhân công, các loại phân bón, vật tư nông nghiệp đều tăng khiến cho người dân gặp khó.

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, giá bán thấp trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến người trồng thua lỗ. Nhiều người dân chọn giải pháp phá bỏ thanh long chuyển sang cây trồng khác, số khác thì bỏ hoang vườn do không dám đấu tư chi phí để chăm sóc vì sợ thua lỗ. Ước tính tại huyện Châu Thành đã giảm gần 30% diện tích và 50% sản lượng so với trước đây.

Đến thời điểm hiện tại, việc thu mua thanh long đã cơ bản thuận lợi, giá cả đã tăng cao trở lại. Thương lái thu mua của nông dân tại vườn với mức giá khoảng 15.000 đồng/kg loại ruột trắng và 25.000 đồng/kg ruột đỏ. Với mức giá này, người trồng đã có lợi nhuận khá.

Tuy nhiên, sản lượng thu mua hiện tại không đủ so với nhu cầu do nhiều người dân bỏ vườn không chăm sóc, một số đã phá bỏ chuyển sang các cây trồng khác như bưởi, dừa, mai… Nguyên nhân là do người dân e ngại giá sẽ phải thua lỗ như trước, một số khác do nợ nần nên thiếu vốn để đầu tư chăm sóc vườn. (Xem tiếp Bài 2: Tạo đầu ra ổn định)

Bùi Giang – Hữu Chí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm