Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, cả nước đang triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn quỹ này, hàng ngàn ha rừng đã được giao cho cộng đồng làng bảo vệ; hàng trăm hộ dân, tập thể tham gia quản lý, bảo vệ rừng đã có nguồn thu nhập ổn định hằng năm. Điển hình huyện Kon Plong là địa phương còn nhiều rừng nhất của tỉnh Kon Tum, đây được xem là Đà Lạt thứ 2 của Tây Nguyên.
Người dân có ý thức hơn trong việc giữ rừng.
|
Ông Vũ Văn Bắc, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Kon Plong cho biết: Từ khi giao rừng cho cộng đồng thôn, làng quản lý, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản giảm rõ rệt. Người trong làng đều ý thức được việc giữ rừng để tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Có thể khẳng định, những diện tích rừng được giao khoán bảo vệ đều được bảo vệ rất tốt; những diện tích rừng chưa giao khoán đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ.
Sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, từ nguồn quỹ này đã có hàng ngàn người dân, cộng đồng làng, các công ty lâm nghiệp, tổ chức được hưởng lợi. Việc hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tác động tích cực đến ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Các chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng tăng cường công tác tuần tra, giám sát trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2014 trên địa bàn xảy ra 528 vụ phá rừng trái phép nhưng đến năm 2015 giảm xuống còn 33 vụ; diện tích rừng bị phá năm 2014 là 84,30 ha, đến năm 2015 đã giảm xuống còn 8,8 ha...