Chia sẻ giải pháp nâng cao chuỗi giá trị trong phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu

Ngày 16/12, tại Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, UBDN tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội thảo nâng cao chuỗi giá trị trong phát triển du lịch nông thôn tỉnh Bạc Liêu. Sự kiện có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia tư vấn du lịch đến từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng cho biết, Bạc Liêu có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm đến phát triển du lịch, xem đây là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhờ đó, du lịch Bạc Liêu tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Hằng năm, lượng khách trung bình tăng 15%, tổng doanh thu tăng 20%, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng. Năm 2024, du lịch Bạc Liêu ước đón khoảng 5,1 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt khoảng 4.200 tỷ đồng.

vna_potal_nang_cao_chuoi_gia_tri_trong_phat_trien_du_lich_nong_thon_tinh_bac_lieu_7759229.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Ngô Vũ Thăng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ về giải pháp nâng cao chuỗi giá trị du lịch nông thôn; liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm; nâng cao chuỗi giá trị trong phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo tồn giá trị di sản văn hóa, phát triển kinh tế địa phương...

vna_potal_nang_cao_chuoi_gia_tri_trong_phat_trien_du_lich_nong_thon_tinh_bac_lieu_7759228.jpg
Đại biểu chia sẻ ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Du lịch Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh Thái Doãn Hồng cho rằng, phát triển chuỗi giá trị trong du lịch nông thôn ở Bạc Liêu và trên cả nước chính là việc các địa phương sẽ xây dựng sản phẩm mới, sản phẩm đặc trưng và có sự liên kết với nhau, từ đó mang lại những giá trị đích thực để giúp nông thôn phát triển. Đặc biệt, phải làm sao quảng bá những sản phẩm này để du khách biết đến, thụ hưởng. Khi đó du lịch nông thôn mới phát triển một cách thực tế, gắn kết và mang tính bền vững.

vna_potal_nang_cao_chuoi_gia_tri_trong_phat_trien_du_lich_nong_thon_tinh_bac_lieu_7759231.jpg
Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là địa điểm thu hút du khách khi đến Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Ông Trịnh Thanh Phong - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông thôn với nhiều điểm du lịch tiêu biểu, thu hút nhiều khách tham quan, trải nghiệm. Để phát triển tiềm năng lợi thế sẵn có, Bạc Liêu phải tạo được điểm nhấn riêng biệt trong phát triển du lịch nông thôn, xây dựng thêm nhiều sản phẩm, thúc đẩy mạnh mẽ du lịch cũng như du lịch nông thôn ở tỉnh.

vna_potal_nang_cao_chuoi_gia_tri_trong_phat_trien_du_lich_nong_thon_tinh_bac_lieu_7759230 (1).jpg
Tổ hợp đờn ca tài tử Nam bộ được dựng lại trong Khu Lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu thông tin cơ bản về kế hoạch và công tác chuẩn bị tổ chức Festival Nghề Muối Việt Nam - Bạc Liêu 2025. Đây sẽ là dịp để quảng bá nghề muối và sản phẩm muối đặc trưng của các địa phương, vùng miền, doanh nghiệp, hợp tác xã, diêm dân. Qua đó, tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tác nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh muối trong nội bộ ngành muối và với du lịch, y tế, ẩm thực; nâng cao thu nhập cho diêm dân theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tích hợp nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, kết hợp phát triển du lịch bền vững.

Trước đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức chương trình khảo sát địa điểm tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch nông thôn nhằm đánh giá tiềm năng, thực trạng phát triển du lịch, trong đó có du lịch nông thôn. Từ đó, đưa ra giải pháp khai thác hiệu quả, liên kết phát triển sản phẩm, loại hình du lịch nông thôn của địa phương; đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố trên cả nước, đảm bảo phù hợp với xu hướng phát triển, nhu cầu thị trường trong bối cảnh phát triển du lịch mới.

Chanh Đa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm