Có thể nói, với đồng bào Khmer, ngôi chùa là nơi chứa đựng những giá trị tâm linh, tín ngưỡng thiêng liêng, sâu sắc, nơi sinh hoạt tôn giáo, trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư trong phum, sóc. Là nơi đồng bào Khmer tập trung đông nhất, chiếm khoảng 30% dân số, Sóc Trăng hiện có 92 ngôi chùa Khmer, trong đó có 2 ngôi chùa (chùa Kh’leang, chùa Dơi) được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Tọa lạc tại số 53, đường Tôn Đức Thắng, phường 6, thành phố Sóc Trăng, chùa Kh’leang là một ngôi chùa cổ của người Khmer, là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đông đảo người dân địa phương. Được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, đây là một trong những điểm đến du khách không thể bỏ lỡ khi du lịch Sóc Trăng.
Chùa Kh’leang là công trình tôn giáo đầu tiên của người Khmer trên mảnh đất Sóc Trăng. Trước đây, vùng đất Sóc Trăng có tên gọi Kh’leang, dịch ra là Khmer. Vì vậy, chùa được đặt tên là Kh’leang để thể hiện truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng dân tộc Khmer. Ngôi chùa có tuổi đời 500 năm, có khuôn viên rộng lớn, tổng diện tích 3.825 m2, luôn được phủ bóng mát bởi các hàng cây cổ thụ, trong đó nhiều nhất là cây thốt nốt. Phần lớn các công trình trong khuôn viên chùa xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ xưa và được điêu khắc, trang trí màu sắc rực rỡ với họa tiết, hoa văn tinh xảo, cầu kỳ.
Tổng thể kiến trúc chùa gồm có: chính điện, sala, nhà ở của sư trụ trì, nhà ở của sư sãi, các tháp đựng tro cốt người chết, lò thiêu, nhà khách, hội trường, trường Trung cấp Pali Nam Bộ... trong đó nổi bật nhất là chính điện nằm biệt lập ở bên trái con đường dẫn vào chùa. Ngôi chính điện chùa Kh’leang là nơi tập hợp nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, toàn bộ cửa sổ và cửa chính đều được làm bằng gỗ, chạm khắc công phu từ các nhân vật tiên nữ phối hợp các loại hình kỷ hà, hoa lá... với bố cục gọn gàng, đường nét uyển chuyển. Bao quanh trong và ngoài chính điện có các cây cột làm bằng gỗ quý, to lớn và được sơn son thiếp vàng. Trên đầu mỗi cột đều có tượng Krud như đang dang tay chống đỡ mái chùa. Còn các bậc thang dẫn lên chính điện thì được trang trí bằng tượng thần Teahu và tượng Chằn.
Mái chùa được xây theo ba nếp, nếp giữa lớn hơn hai nếp phụ. Bờ viền mái nóc còn có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẻ quạt, đuôi cong độc đáo. Bên trong chính điện thờ các vị tượng Phật theo tín ngưỡng của người Khmer. Đặc biệt có bức tượng Phật cao 6,8m, phần thân tượng cao 2,7m và được đúc vào năm 1916. Bức tượng uy nghiêm được đặt trên tòa hoa sen tỏa ánh hào quang bằng điện. Ngoài ra, chính điện còn được trang trí bằng những hình ảnh về cuộc đời của Đức Phật.
So với nhiều ngôi chùa Khmer khác của Sóc Trăng, chùa Kh’leang còn giữ lại những nét độc đáo của lối kiến trúc Khmer cổ, rất có giá trị về mặt nghệ thuật và tính thẩm mỹ. Không những vậy, ngoài đặc điểm chủ đạo theo kiến trúc hoa văn Khmer, trong chánh điện còn đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh ở bức cửa võng và của người Hoa trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột. Điều này phản ánh sự giao thoa văn hóa trên lĩnh vực trang trí, nghệ thuật giữa 3 dân tộc vốn có quá trình cộng cư lâu dài trên vùng đất Sóc Trăng. Điều lý thú là tủ sách trưng bày trong chính điện nếu nhìn kỹ sẽ thấy các lá buông có chữ Khmer cổ, đây là những nội dung kinh Phật viết trên lá buông, được nhà chùa cẩn thận gìn giữ.
Chùa Kh’leang là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Mỗi hạng mục trong chính điện là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Sự tập hợp và sắp xếp hài hòa thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong quá trình giao lưu văn hóa và cộng cư, sinh sống đã biết đoàn kết và học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển. Ngoài phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, chùa Kh’leang còn là nơi sinh hoạt truyền thống của đồng bào dân tộc khmer thông qua các ngày lễ hội hàng năm, cùng các hoạt động văn hóa khác. Nhiều nghi lễ truyền thống được tổ chức long trọng tại chùa, như Chôl Chnăm Thmây (Lễ vào năm mới), Sen Đôn-ta (Lễ cúng ông bà), Oóc-Om-Bóc (Lễ cúng trăng)…
Chùa Bôtum Vong Sa Som Rong hay còn được gọi là chùa Som Rong, tọa lạc tại số 367 Tôn Đức Thắng, phường 5, thành phố Sóc Trăng lâu nay đã được biết đến như một công trình kiến trúc văn hóa Khmer độc đáo, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, du lịch.
Chùa Som Rong được xây dựng từ năm 1785, đến nay đã trải qua 12 đời trụ trì, từ những ngày đầu chùa chủ yếu được làm bằng tre lá tạm bợ, sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa đã trở nên khang trang, rộng lớn như hiện nay. Khuôn viên chùa rộng khoảng 5ha, gồm có chánh điện, sala, nhà dành cho sư sãi và thư viện sách phục vụ cho người dân địa phương.
Cũng giống như các chùa Khmer Nam bộ khác, chùa Som Rong được trang trí hoa văn đặc trưng Khmer với nhiều biểu tượng văn hóa. Đó chính là ấn tượng đầu tiên khi bước đến chùa, nhìn thấy cánh cổng với những hình ảnh của rắn thần Naga, chim thần Krud... phủ nhũ vàng rực rỡ. Phía trên cổng là 5 ngọn tháp biểu tượng của núi Meru - nơi 5 vị Phật ở vị lai sẽ thành đạo theo quan niệm Phật giáo và cũng là nơi 5 vị thần thường an ngự theo học thuyết Bà-la-môn giáo.
Toàn bộ chánh điện được nâng đỡ bởi 6 hàng trụ cột, tầng mái có kết cấu khá đặc biệt với 3 hệ thống mái chồng lên nhau theo một khoảng cách nhất định. Ở mỗi gốc của tầng mái được trang trí hình tượng rồng của đồng bào Khmer. Phần mái tiếp giáp với cột được trang trí hình tượng nữ thần Keynor và chim thần Krud vừa tạo sự chắc chắn, khỏe khoắn cho các bộ cột chống đỡ phần mái đồ sộ, vừa góp phần làm tăng vẻ đẹp và sự uy nghi cho công trình.
Hai bên lối vào chánh điện là hình tượng Kỳ Lân với nét hung tợn, đứng canh giữ cửa nhằm ngăn cái ác và bảo vệ Đức Phật. Trên những vách tường và trần của chánh điện là những bức bích họa mô tả về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca. Bệ thờ trong chánh điện thờ nhiều tượng Đức Phật Thích Ca, trong đó có hai tượng Phật Thích Ca cổ được chế tác bằng gỗ vào đúng năm thành lập chùa. Hai tượng Phật này trong tư thế đứng, với cánh tay đưa thẳng về phía trước, lòng bàn tay có chỉ tay màu đỏ hướng về phía trước như nhắc nhở con người đừng làm việc ác, phải tích phúc, tích đức bằng cách làm điều thiện.
Trong chùa còn có ngôi bảo tháp được hoàn thành năm 2012, với diện tích 100 mét vuông, chiều rộng 11 m, cao khoảng 25 m, có bốn hướng và có bốn lối đi tượng trưng cho bốn tâm vô lượng (từ, bi, hỷ, xả). Dọc hai bên lối dẫn lên bảo tháp được trang trí hình tượng rắn thần Naga và mô típ các hoa văn Khmer cổ được chạm khắc rất tinh tế, sắc sảo. Thay vì màu vàng truyền thống thì ngôi bảo tháp được sơn bằng màu xám, vừa toát lên vẻ hiện đại lại vừa uy nghi, cổ kính như những kiến trúc bằng đá nguyên khối.
Điều đặc biệt nhất trong khuôn viên chùa có lẽ phải kể đến bức Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm phúc hậu với chiều cao 22,5 m, dài 63 m, được đặt trên cao khoảng 28 m so với mặt đất và được xem là một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam hiện tại. Chính vì thế, ngôi chùa này còn có tên gọi khác là chùa Phật nằm Sóc Trăng. Chùa Som Rong với những công trình kiến trúc được kết hợp hài hòa, không chỉ là nơi cầu bình an mà còn là điểm đến để du khách gần xa tìm đến khám phá, trải nghiệm những tinh hoa văn hóa tín ngưỡng độc đáo, nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và Nam bộ nói chung.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng, với dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030, các giá trị văn hóa của người Khmer, trong đó có giá trị kiến trúc, tâm linh từ các ngôi chùa được bảo tồn, phát huy, góp phần xây dựng nền văn hóa chung của Việt Nam - một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của tất cả các dân tộc anh em. Thời gian qua, sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước đã giúp cho đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Khmer đã được cải thiện nhiều, đồng bào Khmer tích cực tham gia các phong trào thi đua, sẵn sàng chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Thu Hương, An Hiếu