Phát huy hiệu quả mô hình chăn nuôi động vật bản địa tại Phú Lương

Phát huy hiệu quả mô hình chăn nuôi động vật bản địa tại Phú Lương
Đàn ngựa bạch thuần chủng tại Hợp tác xã chăn nuôi động vật bản địa. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Đàn ngựa bạch thuần chủng tại Hợp tác xã chăn nuôi động vật bản địa.
Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Ông Trần Đình Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chia sẻ, với xuất phát điểm ban đầu là trang trại chăn nuôi nhưng do nhu cầu mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường nên ông đã chủ động liên kết với các hộ có diện tích đất canh tác, hệ thống chuồng trại quy mô lớn và có điều kiện phát triển chăn nuôi thành lập nên hợp tác xã chăn nuôi động vật bản địa. 

Theo ông Trần Đình Quang, do sử dụng nguồn giống tốt, chăn thả theo hướng hữu cơ, tự nhiên và ít sử dụng thức ăn công nghiệp nên chất lượng sản phẩm của hợp tác xã luôn vượt trội, ổn định hơn so với sản phẩm của các trang trại chăn nuôi nhỏ lẻ. 

Hiện giá hươu nuôi tại hợp tác xã đạt từ 200.000-220.000 đồng/kg; lợn rừng từ 100.000-120.000 đồng/kg lợn hơi; ngựa bạch tùy độ tuổi, độ thuần chủng có giá từ 20-100 triệu đồng/con... đem lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với các giống vật nuôi khác ở địa phương... 
 
Xã viên Hợp tác xã chăm sóc đàn hươu. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Xã viên Hợp tác xã chăm sóc đàn hươu. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Thống kê cho thấy, từ khi thành lập đến nay tổng nguồn vốn đầu tư vào con giống, chuồng trại, hệ thống tường rào, xử lý môi trường... của hợp tác xã đã lên tới hơn 10 tỷ đồng. Theo đó, đàn hươu sinh sản của hợp tác xã đã phát triển lên tới hơn 300 con, đàn ngựa bạch 60 con và đàn lợn rừng duy trì trên 400 con, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. 

Từ trang trại chính ở xóm Gốc Gạo, hiện các xã viên của hợp tác xã đã phát triển được một số cơ sở chăn nuôi vệ tinh có quy mô lớn như cơ sở nuôi hươu của ông Nguyễn Văn Dinh (xóm Gốc Gạo), cơ sở nuôi ngựa bạch của ông Nguyễn Văn Tân (xã Sơn Cẩm)... Tuy mới đang trong giai đoạn đầu tư, chủ yếu tạo nguồn con giống để mở rộng sản xuất nhưng dự kiến trong năm nay doanh thu của hợp tác xã ước đạt trên 1 tỷ đồng. 
Xã viên Hợp tác xã chăm sóc đàn lợn rừng. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Xã viên Hợp tác xã chăm sóc đàn lợn rừng. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Cùng với phát triển chăn nuôi, tận dụng nguồn phân chuồng, các xã viên hợp tác xã chăn nuôi động vật bản địa đang tập trung tiến hành cải tạo đất để phát triển vùng trồng cây có múi, nhất là giống bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam sành... Mục tiêu của hợp tác xã không chỉ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các xã viên, các hộ nông dân trong vùng mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen của các giống động vật bản địa có khả năng trở thành sản phẩm nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Theo Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, đây là một trong những mô hình chăn nuôi động vật bản địa lớn nhất của tỉnh, mở ra hướng đi mới trong phát triển sản xuất. Cùng đó, từng bước hình thành vùng sản xuất sản phẩm đặc thù địa phương tập trung, quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế cao, tạo thêm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới ở huyện Phú Lương. 

Trong gần 2 năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã hỗ trợ Hợp tác xã hơn 2 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để nâng cao năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn miền núi. 
Hoàng Thảo Nguyên
TTXVN

Có thể bạn quan tâm