Phát hiện con đường cổ chìm trong lòng đất ở Thánh địa Mỹ Sơn

Phát hiện con đường cổ chìm trong lòng đất ở Thánh địa Mỹ Sơn
Trong đợt trùng tu lớn lần này, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam rất bất ngờ khi phát hiện một con đường cổ, bờ tường dẫn chìm trong lòng đất. Ngoài ra, còn có nhiều hiện vật giá trị như hai tượng đá mình người, đầu sư tử; các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ. Bước đầu, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam xác định các hiện vật này có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức là khoảng thế kỷ XI đến thế kỷ XII. Trong khi đó, con đường cổ và hai bờ tường dẫn có điểm xuất phát từ phía sau tháp K nhưng kéo dài đến đâu và được xây dựng trong thời kỳ nào vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với các chuyên gia. Các chuyên gia nhận định có thể điểm cuối của con đường này là nơi dẫn vào khu vực hành lễ tại trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn đã bị thời gian vùi lấp sâu dưới lòng đất. Theo nhận định ban đầu, đây có thể là con đường dành riêng cho hoàng gia và các thành viên trong hoàng tộc cũng như các vị chức sắc tôn giáo đi mỗi dịp tổ chức hành lễ tại Thánh địa Mỹ Sơn. 

Anh B. Kumar - Kỹ sư, nhà khảo cổ học Ấn Độ, Trưởng nhóm trùng tu tôn tạo Di sản Mỹ Sơn cho biết: Khi bắt đầu khai quật khu vực tháp K khoảng 15 mét để thực hiện việc gia cố tháp, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam đã phát hiện ra dấu tích của con đường cổ. Trưởng nhóm cùng các cộng sự đã quyết định cho khai quật tiếp 15 mét kể từ phía sau chân trụ tháp K, nhằm mục đích tìm hiểu điều gì bị vùi lấp dưới lòng đất tháp cổ để có thêm dữ liệu khoa học phục vụ nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thực hiện trong quá trình khai quật, trùng tu là phải bảo tồn nguyên vẹn giá trị cốt lõi của từng tháp cổ và từng công trình kiến trúc khác trong quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.
Một phần đoạn đầu của đường cổ và hai bờ tường dẫn sau tháp K mới vừa phát lộ. Ảnh: TTXVN
Một phần đoạn đầu của đường cổ và hai bờ tường dẫn sau tháp K mới vừa phát lộ. Ảnh: TTXVN

Sau khi khai quật, các chuyên gia vô cùng ngạc nhiên về sự hoành tráng của con đường và hệ thống bờ tường dẫn khéo léo, đẹp mắt được xây dựng bằng vật liệu đặc trưng Mỹ Sơn là đất nung và phụ gia kết dính đặc biệt. Theo quan sát của phóng viên, tuyến đường cổ vừa mới phát lộ từ phía sau tháp K rộng 8 mét, nằm giữa 2 bờ tường dẫn song song với nhau. Bờ tường dẫn mỗi bên rộng 0,6 mét, móng tường dẫn nằm sâu cách mặt đất khoảng 1 mét và được xây bằng gạch chắc chắn, nhiều đoạn tường dẫn còn khá nguyên vẹn. Anh Lê Việt Thắng, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, thành viên của nhóm trùng tu tôn tạo Di sản Mỹ Sơn cho biết: Việc phát hiện ra con đường và tường dẫn từ phía sau chân tháp K là một phát hiện mới mẻ và thú vị, chứa đựng nhiều giá trị về khảo cổ học. Để bảo tồn di sản quý giá, trong đợt trùng tu này, thay vì chỉ thực hiện trùng tu tháp K, các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam thống nhất phương án cùng lúc thực hiện song song hai nhiệm vụ vừa trùng tu chống đổ ngã cho tháp K, vừa trùng tu, bảo tồn đoạn đầu của con đường và hai tường dẫn khoảng 50 mét. Phần còn lại của con đường cổ và hai bờ tường dẫn hiện vẫn còn ẩn chìm trong lòng đất Mỹ Sơn vốn chứa nhiều bí ẩn.

Thường xuyên có mặt tại công trình, anh B. Kumar chia sẻ: Việc trùng tu, bảo tồn phải làm sao để bảo tồn nguyên vẹn các giá trị cổ xưa của di sản, đây là nguyên tắc bắt buộc. Vì vậy, tất cả mọi thứ từ vật liệu, kiến trúc của di tích đến những phát hiện mới trong quá trình khai quật đều được đánh dấu và bảo quản hết sức cẩn thận để phục vụ việc trùng tu. Mọi nỗ lực trong quá trình trùng tu tôn tạo Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn nhằm mục đích bảo tồn di sản một cách nguyên vẹn nhất có thể. 

Cùng quan điểm với đồng nghiệp B.Kumar, anh Danve - Kỹ sư, nhà Bảo tồn học Ấn Độ, thành viên nhóm trùng tu tôn tạo Di sản Mỹ Sơn chia sẻ: Điều đặc biệt trong đợt trùng tu Di sản Mỹ Sơn lần này là chúng tôi phát hiện được hai pho tượng mình người đầu sư tử và các hiện vật có giá trị khác. Tất cả đều được bảo quản và nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để áp dụng vào thực tế trùng tu tôn tại Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Đặc biệt chúng tôi phát hiện ra con đường cổ và hai bờ tường dẫn. Đây có thể là hai bờ tường dẫn của tuyến đường ngày xưa được dùng cho hoàng gia và các chức sắc tôn giáo đi lại trong mỗi dịp vào khu đền tháp để hành lễ. Việc phát hiện những hiện vật quý trong khi khai quật, đặc biệt là việc phát lộ tuyến đường cổ và hai tuyến đường dẫn đóng góp giá trị lớn về mặt khoa học, kiến trúc và nghệ thuật để áp dụng vào thực tiễn quá trình trùng tu tôn tạo các tháp cổ trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. 

Ông Phan Hộ, Trưởng ban Quản lý Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn cho biết: Đợt trùng tu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn lần này thực hiện theo thỏa thuận hợp tác giúp đỡ giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ. Chúng tôi kỳ vọng nhiều vào đợt trùng tu này, bởi Ấn Độ là quốc gia có nền văn hóa mang nhiều nét tương đồng với Mỹ Sơn. Hơn nữa kỹ thuật trùng tu di sản của các chuyên gia Ấn Độ đảm bảo được các yêu cầu khắt khe của việc trùng tu Di sản Văn hóa thế giới. Với việc phát lộ tuyến đường cổ và bờ tường dẫn từ tháp K vào khu vực hành lễ sẽ làm phong phú thêm những giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật mà người xưa đã tạo lập trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Chúng tôi hy vọng rằng các nhà khoa học sẽ sớm có kết luận về quy mô, mục đích và ý nghĩa của tuyến đường để vừa góp phần làm tăng thêm giá trị cổ xưa của Di sản, vừa từng bước giải mã những huyền bí ngàn năm trong lòng tháp cổ.
Đoàn Hữu Trung
TTXVN

Có thể bạn quan tâm