Công nhân làm việc tại cơ sở đóng giày Phan Đức Nguồn ảnh: baobariavungtau.com.vn |
Xuất thân từ một gia đình có 5 anh em, cha Đức mất khi em mới 10 tuổi, lúc đó mẹ em với gánh nặng 5 con thơ, bươn chải kiếm từng đồng từ việc thu mua hạt điều và bán trái cây ngoài chợ nuôi các con. Cảnh mẹ góa con côi cứ thiếu trước, hụt sau, tuy là con út trong gia đình nhưng Đức đã phải vất vả từ thủa bé để giúp mẹ các công việc không tên hằng ngày. Vì thế em có ý thức tự lập từ sớm, ý thức rõ được nghèo, đói khiến cuộc sống con người khốn khó như thế nào. Sau khi tốt nghiệp Khoa cơ khí, trường Trung cấp nghề Lilama (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) năm 2012, Đức xin làm công nhân ở Khu công nghiệp Mỹ Xuân A2. Thời gian đó, ngày đi làm công nhân, đêm em lại đi lấy hàng giày, dép ra đổ bán ở vỉa hè để kiếm thêm thu nhập nuôi bản thân, gửi về giúp mẹ và tích góp chút vốn.
Ban đầu, Đức chỉ bán vỉa hè vào ban đêm, sau thấy công việc này cho thu nhập khá cao, Đức lại nghĩ ra việc kiếm thêm các mối để bỏ sỉ giày dép để có thêm thu nhập. Vừa nhập hàng về bán vỉa hè, vừa kiếm mối bán hàng cho các quầy hàng trong các chợ, Đức quyết định nghỉ công việc làm công nhân sau gần 3 năm gắn bó. Bỏ qua những bằng cấp được đào tạo, em không ngại chọn việc bán giày dép trên các đường phố, vỉa hè, với ý định sẽ học thêm nghề đóng giày, dép và nung nấu mở cho mình một xưởng sản xuất riêng. Thực hiện ý tưởng ấy, Đức quyết định lên huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh học thêm nghề làm giày da và đưa các mối hàng về Bà Rịa-Vũng Tàu bán kiếm lãi. Sau khi đã học lành nghề, năm 2015, Đức vay mượn thêm của người thân, của ngân hàng, mở một xưởng sản xuất giày da ngay tại huyện Hóc Môn với số vốn ban đầu khoảng gần 400 triệu đồng. Do đã tìm hiểu thị trường trước, nên ngay khi đi vào hoạt động, các sản phẩm của anh đã tìm được đầu ra ổn định tại nhiều tỉnh, thành trong nước, mang lại lợi nhuận trung bình 1 năm khoảng 650 triệu đồng. Tiền lãi thu về được Đức đầu tư thêm máy móc và trang thiết bị cho xưởng.
Sau một thời gian hoạt động, thấy việc mở xưởng sản xuất ở Thành phố Hồ Chí Minh không mấy thuận lợi bởi chi tiêu, thuê mặt bằng đắt đỏ, nhân công khó kiếm…, Đức có ý định chuyển máy móc của xưởng sản xuất về quê. Theo tính toán của Đức, ở quê nhân công dễ kiếm, chi phí sinh hoạt cũng không đắt đỏ, mặt bằng của gia đình cũng đã có sẵn, đủ điều kiện để mở xưởng sản xuất giày da. Nghĩ là làm, tháng 7/2016, Đức quyết định chuyển hết cơ ngơi do em tạo dựng ra về quê nhà xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc để sản xuất giày da. Hiện nay, một ngày xưởng sản xuất giày da của Phan Văn Đức sản xuất trung bình từ 1.200 đến 1.300 đôi giày, dép các loại, mẫu mã đẹp mắt, phong phú. Xưởng sản xuất của Đức cũng đang giải quyết việc làm cho 30 lao động, trong đó có 25 lao động làm việc tại xưởng, 5 lao động nhận hàng về làm tại nhà. Trong số đó, có đến 14 lao động là thanh niên trong xã, trước đây đều không có việc làm ổn định. Hiện, trung bình mỗi lao động tại xưởng sản xuất giày da của Phan Văn Đức có thu nhập từ 4 đến 9 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Phan Văn Đức có nhiều đóng góp trong các hoạt động Đoàn như: tích cực tham gia các hoạt động đoàn do địa phương phát động, tham gia các hoạt động thiện nguyện hỗ trợ tiền, quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tạo việc làm ổn định cho một bộ phận thanh niên tại địa phương… Phó Bí thư Đoàn xã Tân Lâm, Phạm Khánh Vân nhận xét Đức tham gia tích cực vào các hoạt động đoàn tại địa phương, đặc biệt là phát triển kinh tế, giúp cho rất nhiều thanh niên có công việc ổn định ngay tại mảnh đất quê hương.
Với những cố gắng, nỗ lực trong phát triển kinh tế và đóng góp trong công tác đoàn, đầu năm 2017, Phan Văn Đức được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tháng 10/2017, Phan Văn Đức tiếp tục được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh tuyên dương và tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào sáng tạo trẻ, giai đoạn 2015-2017.
Hoàng Nhị