Phạm Thị Hồng Thắm - Cô gái góp phần đưa thương hiệu muối Sa Huỳnh vươn xa

Chị Phạm Thị Hồng Thắm giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN
Chị Phạm Thị Hồng Thắm giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Với mong muốn đưa thương hiệu muối Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, vươn xa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương, chị Phạm Thị Hồng Thắm (sinh năm 1993), đã tạo ra gần chục sản phẩm từ muối Sa Huỳnh, trong đó có nhiều loại có giá trị cao gấp 50 lần giá muối nguyên liệu.

Phạm Thị Hồng Thắm - Cô gái góp phần đưa thương hiệu muối Sa Huỳnh vươn xa ảnh 1Chị Phạm Thị Hồng Thắm giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Năm 2015, sau khi tốt nghiệp một trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, chị Phạm Thị Hồng Thắm trở về quê tại phường Phổ Thạnh để theo đuổi ước mơ nâng tầm hạt muối quê hương. Chia sẻ về quyết định có phần táo bạo này, Thắm cho biết, học đại học như là hành trang giúp chị có thêm kiến thức, giúp chị tự tin hơn để trở về quê nhà làm gì đó giúp bà con diêm dân có thu nhập cao hơn từ hạt muối, đồng thời phát triển thương hiệu muối Sa Huỳnh khắp mọi miền đất nước.

Để thực hiện được điều này, chị Thắm xác định phải chọn những hạt muối sạch Sa Huỳnh làm nguyên liệu. Do đó, Thắm đã đến tận các hộ diêm dân tìm hiểu, trao đổi, thỏa thuận với bà con thu mua những hạt muối chất lượng nhất. Ban đầu, cơ sở của Thắm chỉ sản xuất ra những sản phẩm đơn giản như muối tinh, muối hầm, đến nay xưởng của Thắm đã làm ra được nhiều sản phẩm có giá trị rất cao như: Hoa muối có giá bán là 34.000 đồng/kg, gấp 17 lần giá muối nguyên liệu; muối ống tre, giá 100.000 đồng/kg, gấp 50 lần giá muối nguyên liệu…

“Những ngày đầu khởi nghiệp, tôi phải đến từng nhà dân, ra từng ruộng muối, gặp từng diêm dân đặt hàng bà con sản xuất những hạt muối chất lượng nhất. Đối với sản phẩm muối tinh, muối hầm thì tôi chọn nung trong nồi đất sét để hạt muối không bị nhiễm kim loại nặng và giữ được mùi hương và độ an toàn của muối. Tuy nhiên, cũng phải qua những mẻ muối không thành công mới ra được sản phẩm như mong muốn”, chị Thắm kể.

Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm cơ sở chế biến muối của chị Thắm đã tiêu thụ cho diêm dân Sa Huỳnh 200 tấn muối. Bà Ngô Thị Vinh, phường Phổ Thạnh, cho biết, nhiều năm nay giá muối rất rẻ, có lúc chỉ 500 đồng/kg. Tuy nhiên, khi bán muối cho cơ sở sản xuất của chị Thắm thì được giá cao hơn khoảng 3-5 lần so với thị trường. Ngoài ra, việc bán muối bọt cho chị Thắm đã đem lại cho gia đình bà Ngô Thị Vinh vài chục triệu đồng mỗi năm. “Giá thu mua muối hạt của cô Thắm cao hơn thị trường, tuy nhiên, yêu cầu của cô cũng cao hơn. Cụ thể như nền đất của ruộng muối phải đầm chặt, kĩ lưỡng hơn để giảm thiểu tối đa tạp chất bám, dính theo muối; thời gian từ khi đưa nước vào ruộng phơi nắng tạo muối trung bình 4 ngày để hạt to, chắc”, bà Vinh cho hay.

Đối tượng khách hàng chị Thắm hướng đến là những người thích lựa chọn thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, với cơ chế thị trường hiện nay, ngoài đảm bảo uy tín, chất lượng, khâu quảng bá rộng rãi là rất quan trọng để có cơ hội đưa sản phẩm muối Sa Huỳnh vươn xa, tiêu thụ mạnh trên thị trường. Chị Thắm chia sẻ, để sống được với nghề thì trước hết người sản xuất phải làm ra những sản phẩm chất lượng, an toàn thì người tiêu dùng mới tin tưởng chọn dùng.

Để khai thác, bảo vệ thương hiệu muối Sa Huỳnh, cũng như những sản phẩm do mình tạo ra, đầu năm 2018, chị Thắm đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên muối SAHU tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Đến nay, Công ty của chị Thắm đã giải quyết công ăn việc làm ổn định cho 10 lao động ở địa phương, sản phẩm muối của Công ty đã có hàng chục đại lý tại nhiều tỉnh, thành phố.

Chị Ngô Thị Xuân Đào, xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, cho biết, chị làm việc cho chị Thắm từ năm 2017, lúc đó còn chưa thành lập Công ty. Công việc hàng ngày của chị là sàng lựa những tạp chất ở trong muối, việc không có gì quá vất vả, giúp chị có thu nhập ổn định để lo cho các con.

Nhận thấy Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên muối SAHU là doanh nghiệp mới thành lập nhưng đi theo hướng phát triển sản phẩm của quê hương, mong muốn nâng cao giá trị của sản phẩm, đã góp phần mang thương hiệu muối Sa Huỳnh vươn xa, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi đã quyết định hỗ trợ Công ty mua sắm máy móc, trang thiết bị; hoàn thiện các thủ tục để nhận Chứng nhận hệ thống quy phạm thực hành về những nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm theo HACCP. Những hỗ trợ của Chi cục đã kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp, “tiếp lửa” cho những bạn trẻ khát vọng khởi nghiệp, với mục tiêu nâng cao giá trị hạt muối Sa Huỳnh, tăng thu nhập cho người dân làm muối, đưa hạt muối Sa Huỳnh vươn xa hơn.

Ông Đặng Tấn Thương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Quảng Ngãi, cho biết: Qua khảo sát, chúng tôi đánh giá cao những sản phẩm do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên muối SAHU tạo ra. Những sản phẩm này dù có giá thành cao nhưng vẫn được rất nhiều khách hàng lựa chọn. Điều quan trọng nhất là Công ty của chị Thắm đã góp phần mang thương hiệu muối Sa Huỳnh vươn xa, nâng cao thu nhập cho diêm dân nơi đây.

Qua 7 năm nỗ lực, một phần ước mơ của cô tân sinh viên ngày nào đã trở thành hiện thực khi hạt muối Sa Huỳnh với thương hiệu muối SAHU đã được khách hàng trong cả nước biết đến và tin dùng.

Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh có nghề muối truyền thống và duy trì từ hàng trăm năm nay. Sở dĩ nơi đây được xem là đồng muối của miền Trung, bởi nước biển khu vực này rất mặn, xung quanh có ít ao hồ, sông suối nên muối đạt chất lượng cao. Tháng 4/2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu muối “Sa Huỳnh”. Nếu năm 2018, tổng diện tích sản xuất tại vùng muối Sa Huỳnh khoảng 115 ha, thì đến năm 2022 chỉ còn khoảng 80 ha với khoảng 500 hộ sản xuất.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm