Từ việc bỏ hàng tỷ đồng mở đường, dẫn dòng nước lạnh từ khe suối về để nuôi cá, cũng có thời điểm tưởng chừng trắng tay, do cá bị nước lũ cuốn trôi, nhưng với ý chí, nghị lực quyết tâm, sau 10 năm, ông Hà Khắc Sâm ở thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã thành công với mô hình nuôi cá tầm, cá hồi lớn nhất xứ Thanh; doanh thu mỗi năm 2-3 tỷ đồng và tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Núi Pù Rinh thuộc bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, được biết đến là nơi có khí hậu ôn hòa, với nền nhiệt thấp 11-23 độ C, thuận lợi cho việc nuôi cá vùng ôn đới. Năm 2009, sau khi khảo sát thực địa, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã xác định được dòng suối Tá trên đỉnh Pù Rinh phù hợp với nuôi cá vùng ôn đới và xây dựng phương án thử nghiệm. Nhưng để chọn được hộ dân có đủ năng lực, điều kiện nuôi cá nước lạnh cũng không hề dễ bởi đầu tư nguồn kinh phí nuôi giống cá đặc sản như cá tầm, cá hồi rất lớn. Hơn nữa con đường đi từ trung tâm xã Trí Nang đến đỉnh Pù Rinh, nơi dòng suối khởi phát rất hiểm trở, nên cũng cần đầu tư, xây dựng lại con đường này.
Khi đó, UBND huyện Lang Chánh đã chọn gia đình ông Hà Khắc Sâm và hỗ trợ 200 triệu đồng để thực hiện mô hình. Ông Sâm chia sẻ: "Được chính quyền địa phương lựa chọn giao dự án, khi đó, tôi lo nhiều hơn là vui. Một phần vì không có kinh nghiệm, mặt khác đây là dự án lớn, nếu thất bại thì có thể mất hết cả tài sản sau nhiều năm tích góp".
Để bắt tay vào dự án, việc đầu tiên ông Sâm làm đó là mở đường vào suối Tá. Sau khi mở được đường, ông đi khắp các trại nuôi cá hồi tại Sa Pa để học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá. Khi nắm vững các kỹ thuật, ông đi đến quyết định dồn vốn để xây 3 bể nuôi với tổng diện tích 300m2, xây 2 đập chứa để làm hệ thống ống dẫn nước từ thượng nguồn suối Tá về nuôi cá với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng.
Lứa đầu tiên, ông Sâm mua 6.000 con cá hồi giống về thả. Giữa năm 2011, trang trại cá hồi của ông Sâm bắt đầu xuất bán. Do chi phí đầu vào quá lớn khiến giá thành sản xuất cá hồi thương phẩm rất cao, tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có nguồn tiêu thụ ổn định nên ông phải tìm ra Hà Nội để bán. Nhưng do đường xa, tỷ lệ cá chết nhiều. Vụ đầu tiên tuy không lỗ nhưng ông thu về tiền lãi chẳng đáng là bao.
Đến cuối năm 2011, một trận mưa lớn, nước Suối Tá dâng cao, tràn vào các bể nuôi khiến cá toàn bộ số cá ông nuôi trôi theo dòng suối. Ông Sâm chia sẻ: "Vụ đó tôi mất gần 8 tấn cá, tương đương với hơn 3 tỷ đồng chỉ trong chốc lát trôi tuột theo dòng suối. Vợ chồng tôi trở thành trắng tay". Tưởng chừng như sau vụ đó, ông Sâm sẽ từ bỏ nghề nuôi cá, nhưng với bản lĩnh và quyết tâm thực hiện thành công mô hình và được sự động viên và hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông quyết định làm lại từ đầu.
Vay thêm 1 tỷ đồng từ ngân hàng, năm 2013, ông xây dựng thêm 6 bể nuôi cá thương phẩm và 5 bể cá giống. Lần này, ông thả 4.000 cá hồi và nuôi thêm 10.000 con cá tầm. Rút kinh nghiệm từ thất bại lần trước, sau khi thả cá, ông bắt đầu tính đến việc tìm nguồn tiêu thụ. Ông Sâm đã đi khắp các nhà hàng ở Thanh Hóa để liên hệ mối nhập hàng. Đến cuối năm 2014, số cá tầm, cá hồi được bán hết cho các nhà hàng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. "Sau vụ đó, tôi thu về trên 2 tỷ đồng, lãi hơn 500 triệu đồng. Đó là bước ngoặt lớn nhất trong 10 năm qua đối với vợ chồng tôi", ông Sâm thổ lộ.
Đến nay, ở Thanh Hóa, khi nhắc đến cá tầm, cá hồi, nhiều người nhắc ngay đến cái tên Hà Khắc Sâm. Bình quân mỗi năm, ông Sâm xuất khoảng 8 - 9 tấn cá thương phẩm, với giá bán 400.000 đồng/kg cá hồi, 250.000 đồng/kg cá tầm, mỗi năm đem về doanh thu gần 3 tỷ đồng, trừ chi phí ông lãi 500 - 600 triệu đồng. Ngoài ra, trang trại cá của ông còn tạo công ăn việc làm cho 3 - 4 lao động thời vụ và 3 lao động thường xuyên, với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.
Chia sẻ về thành công của mình, ông Sâm cho biết, đối với các giống cá nước lạnh, yếu tố quan trọng nhất là nguồn nước. Nước càng lạnh cá càng ít dịch bệnh và nhanh lớn. Một yếu tố quan trọng nữa chính là nguồn thức ăn đều là bột được nhập từ nước ngoài về với giá 35.000 đồng/kg. Điều đặc biệt, giống cá này có thể nhịn đói đến chết chứ nhất định không ăn thức ăn nào khác"
Dự định trong thời gian tới, ông Sâm sẽ mở rộng quy mô của trang trại với việc xây dựng thêm 3 bể lớn để tăng năng suất và hướng đến thị trường ngoài tỉnh như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh...
Cũng tận dụng ưu thế bản Năng Cát là địa điểm du lịch cộng đồng, ông Sâm đã triển khai thêm việc đón khách đến tham quan mô hình trang trại kết hợp du lịch và phục vụ ăn uống tại chỗ.
Theo Chủ tịch UBND xã Trí Nang, Trịnh Đức Hùng, mô hình nuôi cá tầm, cá hồi của gia đình ông Hà Khắc Sâm là mô hình làm kinh tế điển hình của xã, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đây cũng là điểm nhấn kết hợp với việc phát triển du lịch thác Ma Hao và thác Bảy Tầng ở địa phương. Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, động viên và sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân, nếu có nguyện vọng học tập và nhân rộng mô hình này.
Trịnh Duy Hưng