Một nghiên cứu quốc tế đăng trên tạp chí Science ngày 11/4 kết luận rằng dư lượng dược phẩm phổ biến trong môi trường có thể làm thay đổi hành vi di cư tự nhiên của cá hồi Đại Tây Dương, kéo theo những hệ lụy sinh thái khó lường.
Theo nghiên cứu do Đại học Nông nghiệp Thụy Điển phối hợp với Đại học Griffith (Australia) thực hiện, mức độ hiện diện trong môi trường của clobazam – một loại thuốc an thần thường dùng để điều trị rối loạn giấc ngủ – có khả năng làm tăng tỷ lệ di cư thành công của cá hồi con ngoài tự nhiên. Đáng chú ý, loại thuốc này còn giúp cá hồi vượt qua các đập thủy điện nhanh hơn, một trong những rào cản lớn nhất trong hành trình di cư sinh sản của loài cá này.
Mặc dù vậy, các thử nghiệm bổ sung đã hé lộ mặt trái của hiện tượng này. Clobazam làm thay đổi hành vi xã hội của cá, cho thấy sự gia tăng di cư có thể bắt nguồn từ sự thay đổi trong xu hướng chấp nhận rủi ro và cách tương tác theo nhóm, do ảnh hưởng của thuốc đến hệ thần kinh.
Tiến sĩ Marcus Michelangeli thuộc Đại học Griffith, đồng tác giả của nghiên cứu trên, cảnh báo: “Tuy việc tiếp xúc với clobazam giúp cá hồi di cư thành công hơn được xem là điều tích cực, nhưng bất kỳ thay đổi nào đối với hành vi và sinh thái tự nhiên của một loài đều có thể dẫn đến hệ quả tiêu cực cho chính loài đó cũng như toàn bộ hệ sinh thái xung quanh”.
Ông Michelangeli cũng nhấn mạnh rằng hiện nay hơn 900 loại thuốc hướng thần đã được phát hiện trong các dòng nước tự nhiên trên toàn cầu và con số này vẫn đang gia tăng, trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với động vật hoang dã.
Khác với các nghiên cứu trước đây thường được tiến hành trong phòng thí nghiệm, công trình lần này được thực hiện trực tiếp ngoài môi trường tự nhiên, từ đó mang lại cái nhìn chân thực hơn về tác động thực sự của ô nhiễm dược phẩm.
Nghiên cứu trên được xem là hồi chuông cảnh tỉnh về một loại ô nhiễm thầm lặng nhưng nguy hiểm: ô nhiễm dược phẩm. Những loại thuốc tưởng chừng vô hại khi được con người tiêu thụ lại có thể đi theo dòng nước thải ra môi trường và tác động sâu sắc tới hệ sinh thái.
Tiến sĩ Michelangeli kêu gọi cộng đồng khoa học và các nhà hoạch định chính sách sớm đưa ra giải pháp xử lý nước thải hiệu quả hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình phát triển các loại thuốc thân thiện với môi trường. Ông nhấn mạnh: “Câu hỏi không còn là liệu các loại thuốc này có ảnh hưởng đến tự nhiên hay không, mà là mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đâu và chúng ta sẽ làm gì để ngăn chặn điều đó”.
Thanh Phương