Trước khi đe dọa đến đa dạng sinh học, đại dương và chuỗi thức ăn toàn cầu, nhựa đã cứu sống con người và mang tới cho xã hội thành một vật liệu bền, dễ uốn với giá thành rẻ.
Theo Plastic Atlas thuộc Quỹ Heinrich Boell, từ những năm 1950, nhựa đã đóng vai trò tích cực trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nhựa rất cần thiết cho ngành y tế, được sử dụng để sản xuất các sản phẩm giúp cải thiện vệ sinh và tăng tuổi thọ như ống thông dùng một lần, túi truyền tĩnh mạch và ống tiêm.
Bao cao su, nhiều loại được làm từ mủ cao su, đã cải thiện đáng kể sức khỏe cộng đồng và cứu sống vô số người bằng cách bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhựa cũng đã được điều chỉnh cho các mục đích y tế mới sử dụng trong các cảm biến để phát hiện chuyển động hoặc nhịp tim.
Nhựa còn được sử dụng rộng rãi trong bao bì, giúp hàng hóa dễ hỏng luôn tươi và an toàn cho người dùng đồng thời giảm thiểu lãng phí thực phẩm nói chung cũng như giảm bệnh tật do ô nhiễm.
Tuy nhiên, khi nhựa trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày và sản xuất toàn cầu bùng nổ, mối lo ngại về tác động của hợp chất này đối với sức khỏe của hành tinh cũng như của chính con người ngày càng tăng cao.
Trong thời gian gần đây, các nghiên cứu lớn cũng đã xem xét tác động của vi nhựa đối với sức khỏe con người, qua đó phát hiện các hạt nhựa có chiều dài từ 0,3 đến 5 mm trong máu, sữa mẹ và tinh dịch của con người.
Theo thống kê của Plastic Atlas, với dân số toàn cầu tăng gấp 3 lần lên hơn 8 tỷ người từ năm 1950 đến nay, sản lượng nhựa đã tăng gấp 230 lần để đáp ứng nhu cầu. Khoảng 60% nhựa được sản xuất ngày nay được sử dụng để đóng gói, xây dựng và vận chuyển, với các mục đích sử dụng chính khác trong dệt may và hàng tiêu dùng ở mức 10% mỗi loại. Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết tổng cộng chỉ có 9% trong tổng số nhựa được tái chế, tạo nên cuộc khủng hoảng về rác thải nhựa hiện nay.
Minh Tâm