Nuôi lợn an toàn sinh học, tiết kiệm thức ăn để tăng lợi nhuận

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có khoảng 236.000 con lợn, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân đàn lợn tăng số lượng là do từ đầu năm 2024 đến nay giá lợn hơi trên thị trường tăng và duy trì ở mức khá cao nên người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn. Để giảm chi phí, chăn nuôi hiệu quả, nhiều hộ áp dụng biện pháp nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, tiết kiệm thức ăn để tăng lợi nhuận cho gia đình.

nuoi-lon-160924.jpg
Bà Thị Son, xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng, chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn với cán bộ Hội nông dân xã.

Giảm chi phí thức ăn giúp tăng lợi nhuận

Tại một số gia trại quy mô lớn ở huyện Gò Quao, Châu Thành và Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang), người chăn nuôi tỏ rõ sự phấn khởi khi giá lợn tăng dần và đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua. Đa số các hộ đều có kế hoạch đẩy mạnh tái đàn và tăng số lượng lợn nuôi, song mọi người vẫn khá thận trọng và đều áp dụng các biện pháp chăn nuôi tiết kiệm theo hướng an toàn sinh học mà ngành chăn nuôi và thú y đã khuyến cáo.

Gắn bó với nghề nuôi lợn hơn 40 năm qua, hộ bà Lái Thị Tật (60 tuổi, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, tỉnh Kiêng Giang) cho biết, hiện gia đình đang áp dụng 2 mô hình sản xuất trồng lúa, nuôi lợn. Bà Tật cho biết, so với nuôi lợn, nghề trồng lúa ổn định hơn, tuy nhiên thu nhập mang về lại không cao bằng. Hiện tại, gia đình bà có 20 con lợn tơ, 8 con lợn nái và hơn 50 con lợn giống chuẩn bị xuất bán.

Trước đây, cũng như nhiều hộ nuôi lợn khác ở địa phương, bà Tật cho lợn ăn hoàn toàn bằng thức ăn chăn nuôi, nhưng từ năm 2020 đến nay, qua các buổi tập huấn, khuyến cáo chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, gia đình đã áp dụng biện pháp chăn nuôi này và mang lại hiệu quả ổn định gần 4 năm nay. Theo bà Tật, trong 4 năm qua, trung bình mỗi năm gia đình xuất bán hơn 80 con lợn giống, khoảng 70 con lợn thịt, lợi nhuận mang về từ 200-300 triệu đồng/năm.

"Vùng đất ở đây thường bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên năng suất đạt không cao, lợi nhuận không nhiều. Vì vậy, gia đình tôi thường duy trì nuôi từ 40-60 con lợn để giúp tăng thu nhập. Tuy nhiên, nếu nuôi cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn sẽ có lãi rất ít nên tôi nấu cháo trắng trộn cám cho lợn ăn, đồng thời cho ăn độn thêm rau muống, lục bình xen kẽ với thức ăn chăn nuôi vừa giảm chi phí thức ăn và tăng cường sức đề kháng cho đàn lợn", bà Lái Thị Tật nói.

Là một trong những hộ nuôi lợn với quy mô lớn ở xã Thạnh Bình, huyện Giồng Riềng, bà Thị Sơn cho biết, gia đình thường duy trì từ 6-8 con lợn nái để sinh sản lợn giống phục vụ cho việc chăn nuôi của gia đình và cung ứng con giống cho các hộ dân trong và ngoài xã. Trung bình mỗi năm, bà Sơn xuất bán khoảng 200 con lợn thịt và khoảng 120 cơn lợn giống.

Để nghề nuôi lợn đạt hiệu quả, bà Sơn áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học theo sự khuyến cáo của ngành chăn nuôi và thú y như trong quá trình nuôi tiêm ngừa đầy đủ các loại vaccine; những lúc thời tiết thay đổi như nắng nóng, mưa lạnh nhiều ngày bà thường bổ sung thêm vitamin cho lợn để tăng sức đề kháng; vệ sinh sát trùng chuồng trại 2 lần/tuần, che chắn kỹ lưỡng đảm bảo cho chuồng nuôi luôn thoáng mát, sạch sẽ. Đồng thời, bà Sơn áp dụng biện pháp chăn nuôi an tiết kiệm để giảm chi phí thức ăn.

"Cũng rất may trước đây tôi tham gia các buổi hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học nên nắm được kỹ thuật về áp dụng nuôi lợn được hiệu quả. Chứ nếu nuôi theo kiểu trước đây rất khó có lời. Vì giá thức ăn dành cho lợn 2 năm nay tăng rất cao, 800.000-900.000 đồng/bao 25kg. Biện pháp chăn nuôi này tôi thấy vừa giảm chi phí, lợn ít bị bệnh nên nuôi đạt hiệu quả, với giá lợn hơi 65.000 đồng/kg như gần đây, mỗi con lợn thịt tôi có lời hơn 3 triệu đồng", bà Sơn cho hay.

*Tăng cường quản lý chăn nuôi

Theo ông Huỳnh Văn Thái Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Giồng Riềng, những năm gần đây hầu hết các hộ chăn nuôi lợn đều đầu tư chuồng trại đạt chất lượng. Cùng với đó, người chăn nuôi cũng chọn lựa mua con giống kỹ lưỡng, có nguồn gốc rõ ràng và thực hiện tiêm phòng đầy đủ. Nhờ đó, góp phần cùng địa phương phòng ngừa tốt dịch bệnh trên đàn lợn nói riêng, gia súc gia cầm nói chung nên người dân có thể yên tâm tái đàn."Giá lợn hơi tăng là một trong những tín hiệu tích cực, tạo đà cho ngành chăn nuôi của địa phương phục hồi phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, huyện chỉ đạo ngành nông nghiệp thường xuyên theo dõi tình hình chăn nuôi, khuyến cáo, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi, nhất là nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học; đồng thời tăng cường quản lý đàn vật nuôi, triển khai đầy đủ các mặt công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần bảo vệ đàn lợn nói riêng, gia súc, gia cầm nói chung", ông Quỳnh cho biết thêm.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kiên Giang, bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh ở miền Tây được khống chế tốt và giá lợn hơi tăng cao trong khoảng 4 tháng qua chính là điều kiện tốt để người chăn nuôi trong tỉnh đẩy mạnh tái đàn, thúc đẩy nghề chăn nuôi lợn phát triển. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh tái đàn trong khi tình hình dịch bệnh gia súc ở một số tỉnh, thành trong cả nước còn diễn biến phức tạp sẽ là nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn lợn. Vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh được tỉnh tăng cường nhằm hạn chế tối đa xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay tình hình chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh được phục hồi và phát triển tốt, đặc biệt là việc phát triển chăn nuôi heo theo hướng gia trại. Tính đến cuối tháng 8 năm 2024, tổng đàn lợn của tỉnh khoảng 236.000 con, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 70% kế hoạch chăn nuôi năm 2024.

Văn Sĩ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm