Nhân viên Thú y phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường tại trang trại chăn nuôi gà thịt. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Mô hình này không chỉ giúp cho nhà nông chọn được đối tượng vật nuôi thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, mà còn ứng dụng phương thức nuôi mới phù hợp với tình hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh hiện nay. Mô hình nuôi gà lai thương phẩm được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang triển khai tại 12 điểm địa bàn huyện Gò Quao từ tháng 8/2019. Người dân tham gia mô hình nuôi gà là những nông dân chí thú làm ăn có nhu cầu phát triển chăn nuôi gà và mạnh dạn ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Mỗi điểm nuôi mới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cung cấp 200 con gà giống và áp dụng phương thức nuôi trong chuồng kết hợp với thả vườn để giảm chi phí đầu tư thức ăn. Theo ông Danh Hương, ngụ ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, trước đây cũng có chăn nuôi gà, vịt nhưng hiệu quả không cao, giờ nuôi loại gà lai theo hướng an toàn sinh học được cán bộ khuyến nông đến tận nhà hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại thích hợp, chọn con giống đạt tiêu chuẩn, tiêm phòng dịch đầy đủ. Nuôi gà đúng quy trình kỹ thuật, giữ gìn tốt vệ sinh môi trường nên không hao hụt, dễ nuôi, mau lớn và cho lợi nhuận cao. Kỹ sư Lê Thị Giang, Phòng khuyến nông - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, mô hình nuôi gà lai thương phẩm theo hướng an toàn sinh học ở Gò Quao đang cho kết quả rất tốt. Qua khảo sát mới đây cho thấy, hầu hết các điểm nuôi gà lai theo hướng an toàn sinh học đều thích nghi với điều kiện chăn nuôi của người dân, không hao hụt, tỷ lệ sống cao. Sau 3 tháng nuôi, gà nuôi đạt trọng lượng trung bình 1,5kg/con, với giá bán hiện nay 70.000 đồng/kg, mỗi hộ nuôi gà trong mô hình này sau khi trừ chi phí làm chuồng, đệm lót, thức ăn, thuốc tiêm phòng chống dịch bệnh… còn lãi bình quân 4,3 triệu đồng. Do vốn đầu tư ban đầu gồm làm chuồng, đệm lót tương đối cao nên còn lãi ít, nhưng đệm lót, chuồng trại sẽ giữ lại nuôi được nhiều đợt sau, nông dân không phải đầu tư thêm nên chắc rằng mô hình nuôi gà theo hướng này sẽ giúp người dân tăng cao thu nhập thời gian tới. Thấy được hiệu quả nuôi gà lai theo hướng an toàn sinh học, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Gò Quao sẽ tiếp tục nuôi và dự kiến nuôi với số lượng nhiều hơn để tăng thu nhập cho gia đình. Kỹ sư Lê Thị Giang, Phòng khuyến nông - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, để thực hiện mô hình này thành công và mang lại lợi nhuận cao đòi hỏi người nuôi phải hội tụ những điều kiện về vị trí xây dựng chuồng trại thích hợp, chọn giống tốt, áp dụng phương thức chăm sóc nuôi dưỡng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ và xử lý tốt môi trường. Trước những diễn biến phức tạp của bệnh dịch cúm gia cầm ở một số tỉnh như hiện nay, việc chọn mô hình nuôi thích hợp với điều kiện của địa phương và nhân rộng mô hình nuôi là hết sức cần thiết nhằm giúp bà con có thêm việc làm, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh.
Lê Sen