Nuôi cá lồng bè thu lãi cao ở lòng hồ Định Bình

Mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn
Mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn

Mô hình nuôi cá lồng bè đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành sinh kế bền vững cho người dân sống quanh khu vực lòng hồ Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định.

Nuôi cá lồng bè thu lãi cao ở lòng hồ Định Bình ảnh 1Mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Định Bình, xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định. Ảnh: thuysanvietnam.com.vn
Nuôi cá lồng bè thu lãi cao ở lòng hồ Định Bình ảnh 2Nuôi cá lồng bè tại khu vực biển Hải Minh Trong (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn). Ảnh tư liệu: Nguyên Linh/TTXVN

Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ Định Bình, anh Hà Tấn Thuận, xã Vĩnh Hảo đầu tư 12 lồng lưới để nuôi cá diêu hồng kết hợp cá ba sa, cá trê. Mỗi năm anh nuôi 2 vụ (kéo dài từ tháng 4 đến tháng 12). Với giá thương lái thu mua tận lồng dao động từ 30.000 - 55.000 đồng/kg tùy loại cá, trừ chi phí anh Thuận thu lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ.

Anh Thuận phấn khởi cho biết, nguồn nước tự nhiên ở lòng hồ rất thích hợp cộng với cách chăm sóc tốt nên cá sinh trưởng, phát triển khá nhanh. Số lượng cá giống chết sau thả nuôi rất ít bởi không nhiễm bệnh. Mô hình này thật sự hiệu quả.

Hộ ông Nguyễn Nga có khoảng 30 lồng bè. Vụ này ông thả nuôi 200 nghìn con cá diêu hồng, thát lát cườm. Ông Nga nhẩm tính, nếu thuận lợi vụ này ông sẽ thu hoạch đạt 20 tấn cá, “bỏ túi” cả trăm triệu đồng. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề ông tự tin cho biết, sẽ mở rộng quy mô thả nuôi trong thời gian tới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Anh Đặng Minh Vũ - cán bộ xã Vĩnh Hảo cho hay, ban đầu chỉ có 7 hộ tham gia mô hình nuôi cá lồng bè. Đến thời điểm hiện tại, con số này đã tăng lên tới 30 hộ. Hộ ít nhất có 8 lồng, nhiều nhất tới 30 lồng. Mức thu nhập bình quân đạt từ 100 triệu đồng đến 130 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp 1,5 lần so với sản xuất nông nghiệp.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Bùi Tấn Thành thông tin, ngoài việc nhân rộng mô hình, huyện còn hướng đến việc đa dạng hóa con giống, chủ lực là cá diêu hồng và thát lát cườm. Thời gian tới, huyện sẽ thành lập nhóm cùng sở thích, hợp tác xã và kết nối với các doanh nghiệp có khả năng cung ứng, xuất khẩu mặt hàng này ra nước ngoài để góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thủy sản nuôi trồng và tăng thu nhập cho người dân.

Thành công của mô hình khởi phát từ đề tài “Đánh giá tiềm năng và xây dựng quy trình kỹ thuật ương - nuôi cá diêu hồng trong lồng năng suất cao” phù hợp trên các hồ chứa nước lớn của tỉnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định triển khai thực hiện vào năm 2009 tại huyện Vĩnh Thạnh. Đây là tiền đề để mô hình phát triển bền vững.

Lê Phước Ngọc

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm