Xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng giúp tăng thu nhập cho người dân

Xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng giúp tăng thu nhập cho người dân
Phú Thạnh là một trong những xã có đông đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng và là xã thứ 9/10 xã nông thôn của huyện Mỹ Xuyên được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Ảnh: Trung Hiếu
Phú Thạnh là một trong những xã có đông đồng bào Khmer của tỉnh Sóc Trăng và là xã thứ 9/10 xã nông thôn của huyện Mỹ Xuyên được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Ảnh: Trung Hiếu

Theo kế hoạch phấn đấu của Tỉnh ủy, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay, về cơ bản, 2 huyện thị đã đạt 100% xã nông thôn mới, chỉ còn 3 xã nữa là hoàn thành chỉ tiêu 50% xã nông thôn đạt chuẩn. Điều này cho thấy tỉnh đang tích cực, chỉ đạo quyết liệt phong trào xây dựng nông thôn mới. Sóc Trăng chủ trương phát triển sản xuất phải gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân.

Để thực hiện mục tiêu lớn, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nông thôn, Sóc Trăng đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, huy động các nguồn vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi. Đầu năm 2019 đến nay, tỉnh đã thực hiện 101 công trình, 12 công trình chuyển tiếp với tổng vốn trên 122 tỷ đồng, trong đó có hàng chục tỷ đồng lồng ghép từ các chương trình khác phục vụ mục đích xây dựng nông thôn mới.

Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, qua vận động, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nông dân Sóc Trăng đã từng bước thay đổi nhận thức, chuyển dần sang sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Từ đầu năm 2019 đến nay, Sóc Trăng đã sản xuất trên 300ha lúa, 25ha rau màu, hơn 280ha cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, có 106 nhà lưới, nhà màng gắn hệ thống tưới tự động (tăng 25 nhà lưới, nhà màng so với cả năm 2018), mở được 6 cửa hàng tiêu thụ hàng nông sản an toàn, xây dựng 3 mã cod vùng với diện tích gần 50 ha cho 2 tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất nông sản.

Chăn nuôi bò sữa ở Sóc Trăng cũng phát triển mạnh với khoảng 12.000 con bò sữa cho sữa hàng ngày; sản phẩm sữa được tiêu thụ qua 2 công ty thu mua sữa ở 5 điểm thu mua tại địa phương, giúp nông dân cải thiện thu nhập. Ngoài bò sữa, nông dân cũng chuyển đổi chăn nuôi theo hướng bò thịt và một số loại gia súc, gia cầm có giá trị cao như dê, cừu, vịt biển…

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh đang phát huy thế mạnh của địa phương với nhiều loại hình sản phẩm nổi bật như bánh, trái cây đặc sản, loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, đồ thủ công mỹ nghệ… Nhiều sản phẩm nổi tiếng được tiêu thụ, quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước như bánh Pía, Lạp Xưởng, ẩm thực dân tộc, lúa gạo, cây trái đặc sản rất được du khách, người tiêu dùng ưa chuộng. Các sản phẩm phần lớn sản xuất ở nông thôn, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, qua đó góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Sóc Trăng, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc.

Ngoài chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tỉnh Sóc Trăng cũng đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Năm 2019, trung ương hỗ trợ tỉnh hơn 101,6 tỷ đồng để phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách, dự án bao gồm khám chữa bệnh cho người nghèo… Cùng với sự nỗ lực của nhân dân trong việc xóa đói, giảm nghèo vươn lên thay đổi cuộc sống, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của Sóc Trăng chỉ còn 8,6%. Đối với một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Sóc Trăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh như vậy là sự cố gắng, phấn đấu rất lớn của đảng bộ, nhân dân trong tỉnh.

Cùng với sự chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, việc xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng cũng được người dân hưởng ứng tích cực thông qua Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên vận động đóng góp tiền, hiện vật, công sức. Hàng trăm nghìn mét vuông đất, công trình nhà ở được người dân hiến cho nhà nước phục vụ các công trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn...

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 50% xã nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới (tức 40/80 xã), đến hết quý III, đã có 37 xã đạt chuẩn, chỉ còn 3 xã nữa sắp đạt, như vậy nếu làm quyết liệt, đến hết năm 2019, Sóc Trăng có thể sẽ vượt 50% số xã nông thôn mới theo kế hoạch. Về cấp huyện, Huyện Mỹ Xuyên và Thị xã Ngã Năm đến nay đã hoàn thành 100% xã đạt chuẩn, về trước kế hoạch phấn đấu một năm so với mục tiêu phấn đấu.

Thời gian tới, Tỉnh ủy Sóc Trăng sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các cấp ngành, địa phương, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, đảm bảo cho đời sống người dân được nâng cao về chất lượng cuộc sống, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2020 có từ 2-3 xã đạt xã nông thôn kiểu mẫu.
Trung Hiếu
TTXVN

Có thể bạn quan tâm