Trong năm 2020, nồng độ bụi mịn đo được ở 80% số quốc gia trên thế giới đã vượt mức giới hạn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bất chấp tình trạng phong tỏa do đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của IQAir công bố ngày 16/3, việc nhiều nước đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần hoạt động giao thông vận tải và sản xuất trong nhiều tháng của năm 2020 đã giúp giảm nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trên toàn thế giới, kể cả ở các thành phố lớn. Cụ thể, nồng độ bụi mịn đã giảm 11% ở Bắc Kinh (Trung Quốc), 13% ở Chicago (Mỹ), 15% ở New Delhi (Ấn Độ), 16% ở London (Anh) và 16% ở Seoul (Hàn Quốc). Năm ngoái, ít nhất 60% số thành phố của Ấn Độ "dễ thở" hơn so với năm 2019, và nếu so với năm 2018, tất cả thành phố ở quốc gia Nam Á này có không khí sạch hơn.
Nhà phân tích hàng đầu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và là đồng tác giả của báo cáo, Lauri Myllyvirta, nhận định, trong năm vừa qua, chất lượng không khí ở nhiều nơi trên thế giới đã được cải thiện song chỉ trong thời gian ngắn. Nhờ đó, hàng chục nghìn người đã tránh được nguy cơ tử vong do ô nhiễm không khí.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết chỉ có 24 trong số 106 quốc gia được khảo sát đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của WHO. Trung Quốc và nhiều quốc gia ở Nam Á chứng kiến nồng độ PM2.5 cao gấp vài lần so với mức tiêu chuẩn. Ở một số khu vực, nồng độ bụi mịn thậm chí còn cao gấp 6-8 lần. Đáng lưu ý, 22% số thành phố ô nhiễm nhất trên thế giới nằm ở Ấn Độ.
Nồng độ PM2.5 trung bình hằng năm ở Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Mông Cổ và Afghanistan đạt 47-77 mcg/m3. Theo khuyến nghị của Liên hợp quốc, nồng độ PM2.5 không nên vượt quá 25 mcg/m3 trong 24 giờ và 10 mcg/m3 trong cả năm.
Các thủ đô ô nhiễm nhất trên thế giới trong năm 2020 là New Delhi (Ấn Độ, 84 mcg/m3) và Dhaka (Bangladesh, 77 mcg/m3), trong đó Jakarta (Indonesia), Kathmandu (Nepal), Islamabad (Pakistan) và Bắc Kinh nằm trong tốp 20. Khoảng 50% số thành phố ở châu Âu vượt mức giới hạn của WHO.
Cũng theo báo cáo trên, tình trạng biến đổi khí hậu đã mức độ ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn trong năm 2020 - năm nóng nhất trong lịch sử. Cháy rừng do nắng nóng đã gây ô nhiễm nặng nề ở California (Mỹ), khu vực Nam Mỹ và Australia.
Kết quả các nghiên cứu công bố trước đó cho thấy ô nhiễm không khí đã rút ngắn gần 3 năm tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới và gây ra hơn 8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. So với các nguyên nhân gây tử vong sớm khác, số người tử vong do ô nhiễm không khí trên toàn thế giới mỗi năm cao hơn gấp 19 lần so với bệnh sốt rét, cao gấp 9 lần so với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và cao gấp 3 lần do uống rượu, bia.
Phan An