Những ngày này, cùng với việc ứng phó với dịch COVID-19, nông dân huyện Ia Pa (Gia Lai) còn phải đối mặt với dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát trên địa bàn, gây thiệt hại lớn.
Ổ dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu xuất hiện tại xã Pờ Tó, huyện Ia Pa từ ngày 6/8 và có nguy cơ lây lan ra diện rộng khiến người dân lo lắng. Thời gian phát bệnh của dịch tả lợn châu Phi quá nhanh nên mọi nỗ lực cứu chữa đều không mang lại hiệu quả.
Điển hình như hộ ông Lê Văn Theo, một cán bộ thú y ở xã Chư Răng luôn tuân thủ nghiêm các nguyên tắc phòng dịch nhưng đàn lợn giống của gia đình ông vẫn bị "xoá sổ". Dịch xảy ra từng nhà. Sau khi dịch đi qua, mặc dù vệ sinh chuồng trại 2 đến 3 tháng nhưng khi tái đàn vẫn bị lại. Khó nhất của dịch tả lợn châu Phi là không có thuốc đặc trị và không có vaccine nên bà con chỉ hy vọng may mắn - ông Theo chia sẻ.
Dù có kinh nghiệm nuôi lợn nái nhiều năm, nhưng năm nay vẫn là năm thứ 3 liên tiếp gia đình ông Phạm Văn Hoà ở xã Chư Răng bị thiệt hại nặng do dịch tả lợn châu Phi. Chỉ trong vài ngày, 4 con lợn nái sắp sinh trong đàn lợn nái 8 con của gia đình đã chết và bỏ ăn sau khi có biểu hiện nhiễm bệnh. Những con nái còn lại đều rất yếu. Gia đình đang nỗ lực tiêm các loại thuốc bổ với hy vọng cứu được con nào, hay con nấy.
Ông Hoà cho biết, trước giờ gia đình liên tục tiêu độc khử trùng, ngày mấy lần, rắc vôi bột, thuốc sát trùng... Tuy nhiên, dịch vẫn xuất hiện và làm đàn lợn nái chết 1 con, 3 con bỏ ăn. Để gây dựng được một con lợn sề giống chuẩn mất rất nhiều công sức, ít nhất phải đầu tư nuôi cho đủ 3 năm sinh nở ổn định mới đạt. Nhiều con được đầu tư lớn nhưng chỉ sinh được 1 lứa là hỏng. Thiệt hại của gia đình không thể nào tính được.
Sau 1 tuần xuất hiện, ổ dịch từ xã Pờ Tó bắt đầu lây lan sang địa bàn lân cận là xã Chư Răng. Tính tới nay, huyện Ia Pa đã tiêu huỷ 125 con với tổng trọng lượng ước tính trên 7,5 tấn. Đáng lo ngại là dịch đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng đe dọa trực tiếp lên đàn gia súc của địa phương.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Pa Lê Văn Nguyên cho biết, dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc đặc trị và vaccine nên khâu phòng, chống dịch là thiết yếu. Do đó, người dân cần thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng, tiêm các loại vaccine phòng bệnh khác để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn. Ngoài ra, đơn vị khuyến cáo bà con tạm dừng việc tái đàn, để hạn chế thiệt hại.
Không chỉ chịu thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi, trước đó nông dân Ia Pa còn đối mặt với dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò. Tính đến thời điểm này, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò đã làm 120 con bò bị chết và dịch bệnh vẫn chưa được khống chế.
Nguyễn Hoài Nam