Nông dân Huỳnh Văn Tám, ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh, Chợ Gạo chuyển đổi 0,9 ha đất canh tác lúa sang trồng thanh long ruột đỏ mỗi năm thu tiền tỷ. Ông Tám vui mừng cho biết, cây trồng đặc sản này giúp gia đình ông "đổi đời", làm giàu bền vững trên miền đất khó.
Ông Huỳnh Văn Tám chăm sóc vườn thanh long - nơi đây trước kia trồng lúa Ảnh: Minh Trí |
Ông Tám tâm sự: Quê ông ngày xưa chỉ chuyên về trồng lúa nếp; giống nếp Bè Tân Bình Thạnh, Chợ Gạo nổi tiếng gần xa một thời. Tuy trồng giống đặc sản nhưng thu nhập từ nghề trồng lúa nếp bấp bênh. Điệp khúc “trúng mùa, mất giá” đến hẹn lại lên mỗi năm. Nếu cứ đeo bám cây nếp Bè, gia đình mãi "nghèo khổ", ông Tám quyết định chuyển đổi sang trồng thanh long ruột đỏ vào năm 2012. Để thanh long ruột đỏ đạt năng suất, sản lượng cao, trước khi trồng, ông Tám chú trọng bón lót hỗn hợp phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, mụn dừa…Sau 12 tháng trồng, thanh long ruột đỏ đã cho trái bói và từ 18 tháng trở đi thanh long cho thu hoạch với năng suất ổn định, bình quân 18 – 20 tấn/ ha. Những nông dân giỏi thâm canh đạt 30 – 40 tấn/ ha. Thông thường mỗi năm thanh long cho thu hoạch một vụ chính trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Thời điểm này, giá thanh long trên thị trường thường sụt giảm. Để tránh thu hoạch đúng lúc thanh long mất giá, ông chú trọng áp dụng kỹ thuật xông đèn để thanh long cho thu hoạch trái vụ, bán được giá cao, hiệu quả kinh tế lớn. Theo ông Tám, trung bình mỗi năm, ông xử lý thanh long cho thu hoạch 3 đợt. Mỗi đợt đạt sản lượng gần 10 tấn quả. Với 0,9 ha, mỗi năm ông thu hoạch gần 30 tấn quả. Năm 2016 vừa qua, ông Huỳnh Văn Tám bán với giá bình quân 30.000 đ/kg, thu trên 900 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Tám cho biết, sau 5 năm chuyển đổi cây trồng, gia đình ông không chỉ vượt khó, thoát nghèo mà còn tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững. Ông đã cất được nhà cửa khang trang vừa có tích lũy, đầu tư mua thêm 1,1 ha đất, nâng quỹ đất sản xuất của gia đình lên 2 ha. Số đất mới tậu ông cũng trồng thanh long ruột đỏ, dự kiến năm tới sẽ thu hoạch lứa đầu tiên. Ông Bùi Văn Chính, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Tân Bình Thạnh đánh giá, ông Huỳnh Văn Tám là một trong những nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương, nhờ sớm hưởng ứng chủ trương chuyển đổi sản xuất, lập vườn trồng chuyên canh thanh long mà giàu có hẳn lên. Tấm gương lao động sáng tạo của ông Tám được bà con ngưỡng mộ, học tập, áp dụng. Còn theo ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Tân Bình Thạnh, mô hình trồng chuyên canh thanh long trên nền đất lúa kém hiệu quả của ông Huỳnh Văn Tám có sức lan tỏa mạnh. Hiện nay, diện tích thanh long chuyên canh của Tân Bình Thạnh đã phát triển lên gần 500 ha, từ đó, đưa Tân Bình Thạnh từ chỗ thuần nông với cây nếp Bè là xương sống của nền kinh tế, trở thành một trong những địa phương chuyển đổi cây trồng, hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản hướng đến xuất khẩu mạnh nhất của huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Minh Trí