![]() |
Ảnh minh họa- TTXVN |
Theo Thạc sĩ Vũ Duy Hảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí, tuyển thợ lặn trong ngành này khắt khe như tuyển phi công, nghề này không cho phép sai sót và không có cơ hội sửa sai, bởi lẽ chỉ cần một chút sơ suất sẽ dẫn đến bỏ mạng dưới đáy biển, tiêu tốn, hỏng hóc các công trình cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng ngoài biển. Do vậy, ngoài học văn hóa dầu khí, kiến thức dầu khí, ngoại ngữ, rèn luyện sức khỏe thì thợ lặn phải thành thạo các môn bơi, lặn sâu, kỹ năng hàn, lắp ráp cơ khí dưới đáy biển, trong các chân giàn khoan...
Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí đã đào tạo gần 120.000 lượt học viên với 90 chuyên ngành đào tạo, cho “ra lò” nhiều thế hệ học viên mà giờ giữ nhiều cương vị khác nhau, từ tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, đến những công nhân có chất lượng cao, sánh ngang tầm thế giới…
Thạc sĩ Vũ Duy Hảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Dầu khí cho rằng, xác định khi đã hội nhập thì phải cạnh tranh rất lớn. Hiện có rất nhiều trường tham gia đào tạo dầu khí, có cả xã hội hóa. Nên trường không chỉ đảm bảo cung cấp nhân lực cho các đơn vị đến ký hợp đồng đào tạo với nhà trường mà còn là đảm bảo với các em học tập tại trường. Để sau này, không chỉ làm việc trong các đơn vị của ngành mà các thế hệ học sinh này phải đủ trình độ tham gia các liên doanh dầu khí nước ngoài. Đây cũng là một cách khẳng định thương hiệu và chất lượng của trường và của ngành dầu khí Việt Nam có thể vươn lên trong hội nhập.
Điều đáng mừng là, nhờ đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhiều công đoạn xây dựng, sửa chữa, lắp ráp… phức tạp, trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài với chi phí cao, thì nay, các kỹ sư, công nhân người Việt Nam đã có thể làm chủ công nghệ hiện đại, qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước của ngành dầu khí.