Ninh Thuận huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Ninh Thuận huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 75% số xã (35 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó ít nhất 15% số xã (7 xã) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và khoảng 5% số xã (2 xã) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu... tỉnh Ninh Thuận phấn đấu huy động hơn 4.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Ninh Thuận huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới ảnh 1Nông dân huyện Bác Ái chăm sóc lúa vụ Mùa theo mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo Cơ quan thường trực Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, để hoàn thành các mục tiêu, giai đoạn 2021-2025 tỉnh dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn lực là 4.165 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương 500 tỷ đồng; ngân sách địa phương 500 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 1.250 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 1.000 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế 416 tỷ đồng và vốn huy động từ người dân và cộng đồng 416 tỷ đồng.

Để có nguồn lực đầu tư, tỉnh nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhằm thống nhất cơ chế triển khai thực hiện các nội dung của chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư các nguồn lực, đảm bảo không chồng chéo, lãng phí nguồn lực.

Cụ thể, tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép, thống nhất cơ chế đầu tư, hỗ trợ; có chính sách hỗ trợ cho các đơn vị cấp huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới; đơn vị cấp xã, thôn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu…; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và vận động nhân dân tiếp tục đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất… Đối với các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời xác định nội dung, giải pháp thực hiện, bảo đảm giữ vững chất lượng tiêu chí; hỗ trợ, thúc đẩy các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn tiệm cận với quy định đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới hiện hành.

Tỉnh cũng chú trọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn, phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, các chuỗi liên kết sản xuất hỗ trợ nông dân, công tác bảo vệ môi trường, kết nối giữa nông thôn và thành thị. Tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; chú trọng quản lý chặt chẽ việc sử dụng các nguồn lực thực hiện chương trình; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới.

Ninh Thuận huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới ảnh 2Huyện Ninh Sơn đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn bằng nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận, trong bối cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19, việc huy động nguồn lực đầu tư cũng có nhiều khó khăn. Do đó, tỉnh đề nghị các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất mức phân bổ cụ thể nguồn lực từ ngân sách nhà nước để đảm bảo bố trí đủ cho các địa phương khó khăn (không quy định theo hệ số phân bổ và tỷ lệ đối ứng 1:1 như hiện nay); trong đó cần ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn trong xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ một số nội dung trọng tâm để thúc đẩy phát triển, nâng cao thu nhập, đặc biệt là Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".

Tỉnh Ninh Thuận đề nghị các Bộ phụ trách tiêu chí xem xét sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí trong Bộ Tiêu chí về xã nông thôn mới một cách phù hợp nhất; nghiên cứu, đổi mới mô hình tổ chức Văn phòng điều phối nông thôn mới các cấp theo hướng chuyên trách; giảm thành viên kiêm nhiệm và chuyển sang hướng biệt phái, luân phiên một số thành viên sang hoạt động trong một thời gian nhất định để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

Ninh Thuận huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới ảnh 3 Nông dân huyện Bác Ái chăm sóc lúa vụ Mùa theo mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận cho thấy, năm 2021, do tác động của dịch COVID-19 nên việc huy động nguồn lực đầu tư rất khó khăn. Đến thời điểm này, nguồn vốn Trung ương phân bổ cho tỉnh cũng rất ít, chỉ là vốn sự nghiệp, không có vốn đầu tư phát triển. Trong khi đó, nguồn lực huy động từ ngân sách địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư cũng hạn chế do tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch. Một số địa phương đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao có khả năng không hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Toàn tỉnh đã huy động được hơn 377 đồng để thực hiện các nội dung của chương trình. Cụ thể ngân sách Trung ương hơn 6 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 94.6 tỷ đồng; vốn lồng ghép hơn 157 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 96 tỷ đồng và vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư…hơn 23 tỷ đồng.

Ninh Thuận huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới ảnh 4Nông dân xã Phước Hậu (huyện Ninh Phước) trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Mặc dù nguồn lực có được không đáng kể nhưng tỉnh Ninh Thuận đã phân bổ hợp lý các cho địa phương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, nhiều xã đã được đầu tư cơ bản về cơ sở hạ tầng thiết yếu; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết chuỗi giá trị được hỗ trợ và phát hiệu quả, từng bước nhân rộng; các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế và môi trường tiếp tục được cải thiện và từng bước nâng cao.

Ông Nguyễn Đình Trưng, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận cho biết, đến nay Ninh Thuận có 26/47 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 53,3%. Toàn tỉnh có hai huyện là Ninh Phước và Ninh Hải được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có hai xã là Phước Thuận (huyện Ninh Phước) và Thanh Hải (huyện Ninh Hải) được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm