Tại Ninh Thuận, sản xuất nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn đang được nhiều địa phương tích cực triển khai bởi những ưu thế như ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất và liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm đầu ra cho nông sản.
Mở rộng cánh đồng lớn
Gia đình ông Trần Thái Truyện, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải trồng giống nho đỏ Red Cardinal theo kiểu truyền thống. Những năm trước, đến vụ thu hoạch, ông Truyện luôn phải tất tả tìm thương lái thu mua. Nhiều lúc, thương lái viện vào chất lượng sản phẩm, thị trường tiêu thụ khó khăn để ép giá nên hiệu quả sản xuất thấp.
Ông Truyện cho hay, năm 2018 được địa phương và Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An vận động liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, gia đình chuyển sang trồng 2.000 m2 giống nho mới NH 01-152 theo tiêu chuẩn VietGAP. Được hợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, ứng dụng tưới nước tiết kiệm, bao chùm quả nho và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm nên hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt.
Đây là giống nho có nhiều ưu điểm nổi bật như quả to, trọng lượng đạt từ 0,5 - 1,5 kg/chùm, vỏ dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải, có vị thơm nhẹ đặc trưng. Đặc biệt khi quả chín có màu đỏ vang rất đẹp nên thị trường rất ưa chuộng. Giống nho này cho năng suất từ 1 – 1,2 tấn/sào/vụ, thu hoạch 2 vụ mỗi năm.
Trong điều kiện sản xuất bình thường, nho tươi bán giá 100.000 – 120.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, hiện sản phẩm bán với giá 80.000 – 90.000 đồng/kg, song vẫn cao hơn 4 – 5 lần so với các giống nho truyền thống. Sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình còn lãi trên 50 triệu đồng/sào/vụ - ông Truyện chia sẻ.
Ông Nguyễn Khắc Phòng - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An cho biết, hợp tác xã hiện có 64 thành viên tham gia liên kết sản xuất nho theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích gần 30 ha; trong đó, khoảng 7 ha trồng giống nho mới NH 01-152. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, hợp tác xã có nhiều phương án, dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất để hỗ trợ tối đa cho thành viên.
Cụ thể, hợp tác xã hỗ trợ cho nông dân toàn bộ giống cây, hỗ trợ lắp đặt ống tưới nước tiết kiệm. Hơp tác xã ký hợp đồng trực tiếp với công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật uy tín để đạt được giá tốt nhất cung ứng cho các thành viên. Để bao tiêu sản phẩm, hợp tác xã có phương án mua bán riêng với các thành viên bằng hợp đồng, giới thiệu cơ sở thu mua uy tín để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, hợp tác xã đang vận động các thành viên tiếp tục nhân rộng diện tích trồng giống nho NH 01-152 kết hợp du lịch sinh thái, tạo chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Triển khai mô hình cánh đồng lớn, nông dân tích cực áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tiêu biểu như mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái đã giúp đồng bào Raglai thay đổi tập quán canh tác bằng việc dồn điền, đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch và bao tiêu sản phẩm.
Bà Patau Asah Thị Dém, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chính, huyện Bác Ái cho biết, năm 2020, UBND huyện Bác Ái triển khai Đề án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa tại xã Phước Chính. Đến nay đã sản xuất được 3 vụ, hiệu quả bước đầu mang lại rất khả quan.
Từ 11 hộ tham gia với diện tích 4,6 ha ban đầu, đến thời điểm hiện tại đã tăng lên 56 hộ với diện tích gần 24 ha, năng suất bình quân đạt 5,5-6 tấn/ha, cao gấp 1,5 lần so với canh tác lúa truyền thống. Sản phẩm được hợp tác xã trên địa bàn bao tiêu thu mua nên bà con yên tâm sản xuất.
Mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn không chỉ giúp đồng bào Raglai thay đổi tập quán sản xuất mà còn góp phần giúp địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 27 cánh đồng lớn với tổng diện tích gần 3.600ha, đạt 90,18% kế hoạch; trong đó, triển khai mới 3 cánh đồng lớn sản xuất lúa với diện tích 250 ha; duy trì 24 cánh đồng lớn gồm 20 cánh đồng lúa với tổng diện tích trên 3.160 ha và 2 cánh đồng lớn trồng măng tây với diện tích 55 ha cùng 1 cánh đồng nho 29,92 ha và 1 cánh đồng trồng ngô giống diện tích 80 ha.
Thúc đẩy phát triển bền vững
Theo đánh giá, mô hình cánh đồng lớn tạo sự liên kết giữa các hộ dân với các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học và kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế cuối cùng trên cùng một đơn vị diện tích cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.
Cụ thể, đối với cánh đồng lúa, khâu làm phẳng mặt ruộng bằng máy đạt 100%, năng suất cao hơn 10-20% so với sản xuất riêng lẻ từng hộ, giá bán cao hơn giá thị trường tại thời điểm từ 50-200 đồng/kg. Theo mô hình này, nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất từ 5-10%, trong khi lợi nhuận tăng từ 15-30% so với sản xuất đại trà.
Với cây ngô, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi 34-35 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất theo phương thức truyền thống khoảng 20 triệu đồng/ha. Các cánh đồng lớn trồng nho, đặc biệt măng tây xanh cũng cho lợi nhuận cao, giúp nông dân có thu nhập ổn định, yên tâm tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất.
Cánh đồng lớn cũng đã tạo ra bước đột phá thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay, Ninh Thuận đã thực hiện 27 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; trong đó có 23 liên kết lúa, 2 liên kết măng tây xanh, 1 liên kết ngô giống và 1 liên kết sản xuất nho.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện mô hình cánh đồng lớn cũng gặp những khó khăn như tình trạng hạn hán, biến đổi khí hậu, tác động của đại dịch COVID-19 khiến đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp thiếu tính ổn định, giá cả sụt giảm; trong khi đó, giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về của người nông dân.
Tuy nhiên, tại Ninh Thuận, quy mô và hiệu quả của mô hình cánh đồng lớn vẫn còn chưa tương xứng so với mục tiêu đề ra vì hầu hết ruộng đồng trên địa bàn đều nhỏ. Một bộ phận nông dân canh tác theo kiểu manh mún, tự phát, chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật hướng dẫn. Người dân tham gia vẫn chưa tuân thủ hợp đồng bán ra ngoài gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện bao tiêu sản phẩm.
Ngoài ra, các hợp tác xã thiếu vốn, năng lực hoạt động hạn chế, chưa phát huy hết vai trò trong đầu tư liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm… Đây là những rào cản ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện mô hình cánh đồng lớn cần sớm được tháo gỡ.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua, việc sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn gắn với tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học – kỹ thuật, cơ giới hóa đã từng bước khắc phục được những ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, tranh thủ được thời vụ, giải quyết tình trạng thiếu lao động nông nghiệp và giảm giá thành, chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Để thúc đẩy hình thành, phát triển mô hình cánh đồng lớn hiệu quả, Ninh Thuận khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành mô hình cánh đồng lớn theo hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc góp đất liên kết sản xuất. Tại mô hình cánh đồng lớn, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để định hướng phát triển sản xuất hợp lý.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình cánh đồng lớn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế liên kết “4 nhà”, triển khai chính sách tín dụng về nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ nông dân liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh ưu tiên mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Nguyễn Thành