Sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất rau màu tại xã An Hải, huyện Ninh Phước. |
Cụ thể, từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều mô hình sản xuất thí điểm theo hướng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao đã được “4 nhà” liên kết sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề quan trọng để Ninh Thuận hướng đến nhân rộng trên cánh đồng lớn.
Với tỉnh Ninh Thuận, xây dựng cánh đồng lớn vẫn còn mới mẻ, cần thực hiện theo lộ trình, bởi tư tưởng về “dồn điền, đổi thửa” của người nông dân để làm cánh đồng lớn chưa được “khai thông” và chưa nhận thấy rõ hiệu quả mang lại từ cánh đồng lớn. Tuy nhiên với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác tuyên truyền về thực hiện mô hình cánh đồng lớn được đẩy mạnh đã tác động tích cực, tạo sự lan toả rộng khắp, thu hút cả “4 nhà” cùng tham gia, liên kết thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, muốn tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì phải xây dựng cánh đồng lớn; phải ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh.
Mô hình trồng rau màu theo hướng an toàn được triển khai nhân rộng ở huyện Ninh Phước. |
Cùng đó, phải có đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và sự chung tay của người dân để hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã; đặc biệt là sự liên kết của “4 nhà” trong thực hiện theo hướng đôi bên cùng có lợi. Tất cả điều kiện “cần” đó đang được ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận và chính quyền các địa phương quyết tâm thực hiện, bước đầu đã mang lại nhiều khởi sắc.
Minh chứng rõ nét đó là vấn đề giao thông, thủy lợi tại nhiều vùng sản xuất, nhiều xứ đồng đang được đầu tư xây dựng và mở rộng. Nông dân các địa phương ở tỉnh Ninh Thuận đã nhận thức, thấy được hiệu quả của việc “dồn điền, đổi thửa”, tích cực tham gia xây dựng nên các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất nông sản mang tính đặc thù của địa phương như: Hợp tác xã sản xuất lúa giống ở xã Phước Hậu; hợp tác xã sản xuất măng tây xanh ở xã An Hải, ở huyện Ninh Phước; hợp tác xã sản xuất rau an toàn ở phường Mỹ Bình, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm…
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp như, Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang; công ty Ladora Farm Ninh Thuận; công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố; công ty Đông Nam; công ty trách nhiệm hữu hạn Linh Đan… cũng đang mạnh dạn đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất, bao tiêu sản phẩm, chủ động liên kết, thuê đất xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu chế biến ổn định, lâu dài tại địa phương.
Kiểm tra mô hình cánh đồng lớn sản xuất, thu hoạch lúa giống ở xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước. |
Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang cho biết, nhờ cơ chế, chính sách thông thoáng của địa phương, công ty đã bỏ vốn thuê 300 ha đất của người dân miền núi xã Phước Thắng, huyện Bác Ái để trồng mía ứng dụng công nghệ cao; đồng thời đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm thiết bị máy móc phục vụ sản xuất.
Mô hình trồng mía cánh đồng lớn tại đây không những giải được bài toán thiếu nguyên liệu sản xuất của nhà máy, mà nó còn góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp của lao động địa phương. Đặc biệt người dân sẽ có đất bằng phẳng để sản xuất sau khi công ty hết niên hạn thuê đất, giao trả lại đất cho người dân tiếp tục sản xuất.
Theo ông Nguyễn Minh Nhật, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần giống cây trồng Nha Hố, nếu người nông dân tự tin, quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp thì không lý gì doanh nghiệp ngại hỗ trợ đầu tư. Ngay vụ Hè Thu 2017 vừa qua, công ty đã liên kết với hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu, huyện Ninh Phước xây dựng nên vùng chuyên sản xuất lúa giống TH 41 với diện tích 56 ha, đã thu hoạch.
Bước đầu, công ty hỗ trợ hầu như toàn bộ vật tư, phân bón, kể cả hướng dẫn qui trình sản xuất… nên năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản làm ra khác hẳn với kiểu sản xuất truyền thống, thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng gấp 3 lần so với sản xuất kiểu truyền thống, đặc biệt tất cả nông sản làm ra được công ty bao tiêu toàn bộ, với giá ổn định nên người dân có lợi nhuận đáng kể.
Ông Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết, để thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa giống, địa phương đã vận động người dân tích tụ ruộng đất “dồn điền”, tăng diện tích từng thửa ruộng, giảm tỷ lệ bờ bao để thuận lợi cho canh tác, quản lý dịch bệnh, giảm chi phí lao động…Đồng thời, được hướng dẫn, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật; được hỗ trợ vốn, giống, vật tư sản xuất nên năng suất lúa mô hình đạt từ 7,5 đến 8 tấn/ha, tăng gần 2 tấn/ha so với làm lúa kiểu truyền thống của người dân, đặc biệt nông sản sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu, người dân phấn khởi, không lo tình trạng được mùa, mất giá như sản xuất trước đây. Thấy được hiệu quả đó, vụ mùa tới đây, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lên 100 ha.
Ở vùng cát trắng xã An Hải, huyện Ninh Phước, mô hình trồng măng tây xanh theo hướng an toàn, phủ xanh được vùng cát bay, cát nhảy, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng là thành quả của sự liên kết, hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa công ty trách nhiệm hữu hạn Linh Đan và hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, xã An Hải.
Để thực hiện mô hình, công ty trách nhiệm hữu hạn Linh Đan hỗ trợ cả tiền mua giống về trồng, chuyển giao, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hướng dẫn nông dân chăm sóc theo một quy trình khép kín, tiết kiệm nước tưới, giảm vật tư phân bón, chi phí lao động… nên một hecta măng tây xanh cho thu nhập trên 700 triệu đồng. Trừ hết chi phí đầu tư, người dân lãi khoảng 500 triệu đồng/hecta/năm.
Mô hình trồng măng tây xanh theo hướng an toàn được nhân rộng ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. |
Tại các địa phương khác ở Ninh Thuận, nhiều mô hình sản xuất thí điểm, ứng dụng công nghệ vào sản xuất đang được “4 nhà” cùng liên kết thực hiện, tạo ra sản phẩm hàng hóa như: Mô hình thâm canh đậu xanh ở huyện Thuận Bắc; mô hình tưới tiết kiệm mãng cầu, trồng bưởi da xanh ở huyện miền núi Ninh Sơn, Bác Ái; mô hình trồng súp lơ an toàn ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; mô hình nuôi ốc hương thương phẩm ở huyện Ninh Hải, Ninh Phước… đã và đang mang lại tín hiệu rất khả quan, bởi nhiều loại nông sản mang tính đặc thù sản xuất ra “cung” không đủ “cầu”.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết thêm, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang đặt vấn đề với tỉnh xin hỗ trợ về cơ chế, chính sách để thực hiện một số mô hình như: Mô hình trồng hoa lan hồ điệp xuất khẩu; trồng dứa (thơm) xuất khẩu; trồng chuối Mỹ xuất khẩu... Sở cũng đang đề xuất với UBND tỉnh xây dựng mô hình trồng nho trong nhà kính, để nâng cao hiệu quả kinh tế loại cây trồng chủ lực, đặc thù của tỉnh.
Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp, Sở Nông nghiệp cũng đang trình UBND tỉnh Ninh Thuận thông qua HĐND ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như: Nghị quyết 50/2016/NQ-HĐND; Nghị quyết 20/2017/NQ-HĐND về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; đồng thời chủ động triển khai xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình 135; thực hiện lồng ghép các chương trình như chương trình xây dựng nông thôn mới…
Để đưa các mô hình sản xuất ra nhân rộng trên cánh đồng lớn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, dễ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, lựa chọn các sản phẩm đặc thù, có thế mạnh đưa vào sản xuất gắn kết với tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, ổn định để thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
Công Thử
TTXVN