Xác định các hoạt động hỗ trợ nông dân là một trong những chương trình trọng tâm, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đang tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương tập trung huy động nguồn vốn, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, phát triển các hình thức kinh tế phù hợp nhằm giúp hội viên nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có gần 52.000 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt tại 65 cơ sở Hội, 398 chi Hội và 1.033 tổ Hội. Để giúp hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội đã và đang tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp, các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất như: sử dụng chế phẩm sinh học, xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với phát triển thương mại, dịch vụ du lịch.
Các cấp Hội tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã tạo điều kiện hỗ trợ gần 100 hộ dân vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với tổng số tiền trên 3,2 tỷ đồng, triển khai 17 dự án trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản và các ngành nghề khác. Đồng thời, các cấp Hội phối hợp với các ngân hàng tín chấp giúp cho 34.281 thành viên vay vốn phát triển sản xuất với tổng dư nợ đến nay hơn 2.019 tỷ đồng. Nhờ đó, các địa phương xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Anh Nguyễn Đình Trí, hộ nông dân sản xuất giỏi ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn chia sẻ, được các cấp Hội Nông dân, Viện Nghiên cứu bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố tư vấn, hướng dẫn, anh đầu tư gần 8,5 sào (8.500m2) làm nhà màng, trồng các giống nho mới như: Nho ngón tay đen NH04-102, nho hồng NH01-152, nho mẫu đơn NH01-212. Trồng nho trong nhà màng có nhiều ưu điểm như ngăn được mưa, gió, sương; hạn chế tình trạng sâu bệnh gây hại rõ rệt; có thể trồng 2 – 3 vụ/năm mà không lo ảnh hưởng bất lợi của thời tiết. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, vườn nho cho ra những chùm to, chín đẹp, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. Từ đó, anh đặt tên khu trồng nho của gia đình là trang trại nho Trí Hà, tổ chức bài bản hoạt động sản xuất nho theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp du lịch, cho thu nhập trên nửa tỷ đồng mỗi năm.
Để tăng hiệu quả sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa, Hội Nông dân tỉnh còn tích cực vận động hội viên tham gia liên kết theo chuỗi giá trị ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 36 cánh đồng lớn trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống, với tổng diện tích hơn 5.010 ha; triển khai 70 liên kết chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thông qua hợp tác xã, doanh nghiệp liên kết trực tiếp với nông dân sản xuất lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, kiệu, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, sắn với tổng diện tích khoảng 15.000ha. Ngoài ra, tỉnh đã được cấp 35 mã số vùng trồng với diện tích gần 310ha; diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt trên 825ha,...
Hội Nông dân tỉnh phối hợp Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch tỉnh tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, các cơ sở sản xuất, các chủ thể OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) tham gia liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ đầu mối, sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay có hơn 90 đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh Ninh Thuận (sanphamninhthuan.vn) với 350 sản phẩm, trong đó 100% sản phẩm OCOP từ 3 sao đã được đưa lên tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử của địa phương.
Năm 2024, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận phấn đấu kết nạp mới 2.750 hội viên, thành lập mới 65 chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp; thành lập mới 7 hợp tác xã, 16 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp; tăng quỹ hỗ trợ nông dân bình quân từ 10%/năm trở lên, trong đó 2% là vận động từ nguồn ngoài ngân sách; 100% hộ hội viên cam kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội phấn đấu xây dựng 70 mô hình sản xuất của hội viên nông dân gắn bảo vệ môi trường và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận thông tin, để đạt được các mục tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm Hội tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh và các nội dung chương trình phối hợp với các đơn vị, các ngành. Trong đó, Hội chú trọng đẩy mạnh triển khai thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Hội phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động tư vấn, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất và hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp, kinh tế tập thể ngoài tỉnh; nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Bên cạnh đó, các cấp Hội triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm khơi dậy ý tưởng sáng tạo của nông dân để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương; tiếp tục bồi dưỡng nông dân điển hình làm kinh tế giỏi, có uy tín làm nòng cốt để trở thành giám đốc hợp tác xã, tổ trưởng sản xuất nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong thời gian tới.
Nguyễn Thành