Ninh Thuận nỗ lực thực hiện các tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới

Để phong trào xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững, tỉnh Ninh Thuận tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chung sức thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giải quyết các tồn tại trong quá trình thực hiện trên địa bàn.

vna_potal_ninh_thuan_no_luc_thuc_hien_tieu_chi_kho_trong_xay_dung_nong_thon_moi_7391211.jpg
Xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Năm 2024, Ninh Thuận phấn đấu có thêm 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 - 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 78 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 7 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

vna_potal_ninh_thuan_no_luc_thuc_hien_tieu_chi_kho_trong_xay_dung_nong_thon_moi_7391227.jpg
Vùng quê ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc, Ninh Thuận) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trịnh Minh Hoàng cho biết, để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh tăng cường huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư; lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án trên địa bàn để thực hiện các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, địa phương tập trung chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ các địa phương phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch năm 2024; đặc biệt chú trọng đến các tiêu chí, chỉ tiêu khó thực hiện, duy trì như: thu nhập, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, môi trường và an toàn thực phẩm...

vna_potal_ninh_thuan_no_luc_thuc_hien_tieu_chi_kho_trong_xay_dung_nong_thon_moi_7391217.jpg
Người dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải, Ninh Thuận) thu hoạch hành tím, loại cây trồng đặc thù giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Tỉnh tập trung thực hiện 11 nội dung và 6 chương trình chuyên đề trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn; đồng thời, đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận yêu cầu, các huyện, thành phố phải xác định rõ tiêu chí trọng tâm của Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021 - 2025 để tập trung chỉ đạo; trong đó, chú trọng đến các tiêu chí liên quan trực tiếp về đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Các địa phương căn cứ điều kiện thực tế để xây dựng kế hoạch thực hiện; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc, giám sát các xã trên địa bàn trong quá trình triển khai kế hoạch xây dựng chương trình nông thôn mới.

vna_potal_ninh_thuan_no_luc_thuc_hien_tieu_chi_kho_trong_xay_dung_nong_thon_moi_7391231.jpg
Huyện Ninh Hải đang nỗ lực xây dựng để đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên của Ninh Thuận vào năm 2025. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới cần tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất và kinh tế nông thôn; triển khai, lồng ghép hiệu quả các dự án sản xuất, mô hình sinh kế từ các chương trình, dự án; triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội để góp phần nâng thu nhập cho người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo. Các địa phương tiếp tục vận động tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là các xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) và Phước Hòa (huyện Bác Ái); tăng cường giữ gìn an ninh, trật tự xã hội nông thôn, không để xảy ra các vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn.

Các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chí nâng cao thuộc Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tập trung hoàn thiện tiêu chí về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn đáp ứng yêu cầu chợ kinh doanh thực phẩm theo quy định; rà soát, đánh giá lại mức đạt chuẩn quốc gia về y tế, trường học theo các quy định mới. Các địa phương phối hợp với các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế đảm bảo đạt tỷ lệ theo quy định; đặc biệt là các xã có đồng bào dân tộc thiểu số như: Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn), Phước Hậu và Phước Thái (huyện Ninh Phước)...

vna_potal_ninh_thuan_no_luc_thuc_hien_tieu_chi_kho_trong_xay_dung_nong_thon_moi_7391219.jpg
Đường giao thông liên thôn ở xã Bắc Phong (Thuận Bắc, Ninh Thuận) được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. Ảnh: Nguyễn Thành - TTXVN

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, xã Thành Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Chính quyền địa phương cần tập trung thực hiện, hoàn thiện các yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, lựa chọn 1 lĩnh vực nổi trội phù hợp trong 6 lĩnh vực theo quy định để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, quan tâm phát triển sản xuất, tạo việc làm để tăng thu nhập cho người dân; phấn đấu mức thu nhập bình quân của xã phải cao gấp 1,2 lần mức thu nhập bình quân quy định đối với xã nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2023, Ninh Thuận huy động các nguồn lực được trên 1.505 tỷ đồng. Đến hết quý I/2024, tỉnh có 2/6 huyện (huyện Ninh Phước và Ninh Hải) đạt chuẩn nông thôn mới; 32/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỉnh tiếp tục hoàn thành các tiêu chí phấn đấu xây dựng hai huyện Ninh Sơn và Thuận Nam đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2025. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao.

Nguyễn Thành

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm