Công ty may Tiến Thuận (Ninh Thuận) ổn định việc làm cho hơn 1.800 lao động. Ảnh : Trần Quốc Việt - TTXVN |
Trong năm 2019, Ninh Thuận phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm, vận dụng có hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào sản xuất sau khi học nghề tối thiểu đạt 82%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,16%. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận tăng cường công tác khảo sát, cập nhật thông tin về cung - cầu thị trường lao động; điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm có giải pháp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các ban, ngành liên quan thực hiện lồng ghép các chương trình hỗ trợ lao động nông thôn phát triển sản xuất gắn với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề thí điểm có hiệu quả. Sở xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với vùng sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng tái cấu trúc ngành nông nghiệp, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ninh Thuận đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... với các ngành, nghề như: Dệt, may mặc, điện tử, chế biến thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động tại các cùng nông thôn trên địa bàn tỉnh . Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở dạy nghề ngoài công lập tham gia đào tạo 13 nghề ở trình độ cao đẳng, 20 nghề trình độ trung cấp và 49 nghề trình độ sơ cấp dạy nghề dưới 3 tháng với quy mô đào tạo nguồn nhân lực trên 8.500 người/năm. Với chủ trương phát triển đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, năm 2018, tỉnh đã xây dựng danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 136 nghề nông nghiệp, 47 nghề phi nông nghiệp. Đối với nghề nông nghiệp, tỉnh tập trung đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng các loại cây chủ lực như: lúa, nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam; chăn nuôi dê, bò, cừu vỗ béo; chế biến các mặt hàng nông sản, hải sản. Đối với nghề phi nông nghiệp, tỉnh tập trung đào tạo các nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, các làng nghề, làm gia công theo sản phẩm; đồng thời, mở hướng đào tạo cho các lao động chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp như: lái xe, may công nghiệp; hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; thuyền trưởng, máy trưởng. Ông Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết: Nhờ có phương thức đào tạo phù hợp, chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước được nâng lên. Người lao động sau khi học nghề biết cách vận dụng kiến thức vào sản xuất, kinh doanh, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động. Một số lao động có tay nghề sau đào tạo còn được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; qua đó, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững khu vực nông thôn. Năm 2018, tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 2.700 lao động nông thôn với tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch đề ra. Qua khảo sát, tỷ lệ lao động có việc làm, vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học vào thực tế để nâng cao năng suất, tăng thu nhập sau khi học nghề ước đạt 85,87%, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56,86%.
Nguyễn Thành