Nhằm giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, tạo ra những giá trị mới từ sản phẩm đặc thù, tỉnh Ninh Thuận tập trung đẩy mạnh các chương trình liên kết sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo hướng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao.
Ninh Thuận hiện là tỉnh có diện tích trồng nho lớn nhất cả nước với hơn 1.200 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 30 nghìn tấn nho tươi. Để tăng hiệu quả kinh tế từ cây nho, giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi cho nông dân, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, nghiên cứu cho ra đời các dòng sản phẩm chế biến từ quả nho tươi.
Điển hình như mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nông sản của hợp tác xã nho Evergreen Ninh Thuận. Ông Nguyễn Hải Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã chia sẻ, với mong muốn chủ động từ đầu vào tới đầu ra và xây dựng thương hiệu nho đặc trưng của địa phương, từ năm 2016 đến nay được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển hợp tác xã Việt Nam - VCED do Chính phủ Canada tài trợ, hợp tác xã đã xây dựng mô hình liên kết với 90 thành viên sản xuất với gần 30 ha nho theo tiêu chuẩn VietGAP, hàng năm cung ứng ra thị trường hơn 100 tấn nho tươi các loại.
Bên cạnh cung cấp nho tươi, hợp tác xã đang đầu tư máy móc, xưởng chế biến, tập trung nghiên cứu sản xuất các dòng sản phẩm nho đỏ, nho xanh sấy khô, nước nho lên men, giấm nho, rượu nho chưng cất với nhiều hương vị khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của khách hàng.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với các Viện, cơ quan nghiên cứu khoa học chuyển giao các công nghệ xử lý bảo quản quả sau thu hoạch, dây chuyền sấy nông sản, xây dựng mô hình sản xuất vang, kho lạnh hỗ trợ các cơ sở sản xuất. Từ đó, nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư máy móc, đến nay tỉnh có 2 dây chuyền xử lý bảo quản nho sau thu hoạch, 22 hệ thống sấy nho và táo hiện đại, có thể đáp ứng sản xuất hàng chục tấn nho tươi mỗi ngày.
Bên cạnh đó, tỉnh có gần 60 cơ sở chuyên sản xuất, đăng ký kinh doanh các sản phẩm nho rượu, vang nho, mỗi năm các cơ sở cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn lít rượu, vang nho. Mỗi cơ sở sản xuất có bí quyết ủ, lên men, đóng chai riêng góp phần tạo nên sự đa dạng cho sản phẩm vang nho Ninh Thuận. Trong số đó, những nhãn hiệu vang Thiên Thảo, Ba Mọi, Viết Nghi, Lan Anh đã được công nhận hàng Việt Nam chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường.
Tương tự, nhiều cơ sở sản xuất ở lĩnh vực chăn nuôi cũng đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ vào sản xuất để sơ chế, chế biến thành nhiều sản phẩm mới từ những sản phẩm đặc thù. Ông Nguyễn Xuân Đoài, chủ cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) cho hay, cơ sở đang liên kết chăn nuôi với hơn 100 hộ dân nuôi dê, cừu trên địa bàn, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 - 2 tấn thịt dê, cừu các loại. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất, cơ sở chuyển hướng sang đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ thịt dê, cừu nhằm hướng tới phân khúc thị trường cao hơn.
Ông Nguyễn Xuân Đoài cho hay, cơ sở đã ký kết hợp tác với trường Đại học Nông lâm – Thành phố Hồ Chí Minh cùng nghiên cứu chế biến các sản phẩm thịt dê sấy, thịt dê đóng hộp, thịt cừu đóng hộp, dê viên, cừu viên hút chân không... để đưa vào các kênh phân phối hiện đại nhằm tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn. Cùng với đó, cơ sở chú trọng cải tiến mẫu mã, quảng bá bán sản phẩm qua các kênh thông tin mạng xã hội để mở rộng thị trường tiêu thụ trong năm 2021.
Ninh Thuận hiện có 12 sản phẩm đặc thù là nho, táo, tỏi, măng tây xanh, nha đam, rong sụn, tôm giống, dê, cừu, gốm, dệt thổ cẩm và nước mắm cà ná. Những năm qua, thực hiện chương trình ứng dụng khoa học công nghệ gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu hàng hóa, tỉnh tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ để hướng đến ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, đây là những sản phẩm phát triển dựa trên việc sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương. Việc đa dạng hóa chế biến sản phẩm đặc thù góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo thêm tính đa dạng cho danh sách các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, giúp các sản phẩm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy đã có những khởi sắc trong đầu tư công nghệ chế biến đối với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh nhưng hiện nay hệ thống bảo quản, chế biến sau thu hoạch của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất các sản phẩm còn nhỏ lẻ với sản lượng, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu theo tiêu chuẩn VietGAP còn hạn chế... Vì vậy, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, tỉnh tập trung hỗ trợ cho các nội dung bao gồm chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, đào tạo nghề, nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ và kiểu dáng công nghiệp để xây dựng thương hiệu, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm đặc thù, liên kết các thị trường tìm đầu ra cho sản phẩm. Các nội dung hỗ trợ bám sát nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho các đơn vị khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sản phẩm đặc thù của địa phương.
Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tiếp tục duy trì chất lượng hàng hóa hiện có, thiết kế mẫu mã đẹp, phong phú về chủng loại, giá cả hợp lý để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Nguyễn Thành