Những năm qua, trong quá trình canh tác một số loài cây trồng cạn như ngô, lạc, cà chua, cải bắp, su hào, dứa, bầu bí, cây dược liệu… đồng bào dân tộc đã áp dụng phương pháp che phủ nilon.
Màng phủ nông nghiệp hay còn gọi là nilon là vật liệu bằng nhựa dẻo, mỏng với hai màu khác nhau dùng để phủ lên mặt luống (liếp) cây trồng. Việc che phủ nilon giúp tiết kiệm đáng kể lượng nước tưới, phù hợp với những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Che phủ nilon làm hạn chế thoát hơi nước trong đất, giúp cây trồng duy trì được độ ẩm đất đều và thường xuyên hơn, mặt khác làm tăng độ tơi xốp của đất, làm tăng nhiệt độ đất, nhất là trong thời vụ có nhiệt độ thấp, từ đó làm cho cây trồng sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao hơn…
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mang lại, khi sử dụng che phủ nilon nếu không chú ý thực hiện đúng kỹ thuật sẽ gây bất lợi đối với sinh trưởng và năng suất của cây trồng, thậm chí gây chết cây. Vì vậy, khi sử dụng nilon che phủ cần một số lưu ý sau:
- Ở những ruộng canh tác cây trồng cạn có che phủ nilon, nếu gặp mưa lớn sau đó trời trở nắng to sẽ làm nước trong đất bốc hơi mạnh nhưng khó thoát ra bên ngoài màng phủ, có thể làm cho cây trồng dễ bị thối rễ và chết. Vì vậy, cần chủ động thoát nước ở những chân ruộng này.
- Sử dụng màng phủ nilon có hai màu ở hai mặt. Mặt màu bạc của màng phủ được hướng lên trên nhằm tăng phản xạ ánh sáng mặt trời, mặt màu đen úp xuống dưới để che tối mặt đất (hạn chế cỏ dại).
- Chỉ nên dùng màng phủ vào mùa khô để hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho đất, tiết kiệm công tưới nước. Nên hạn chế dùng màng phủ vào mùa mưa vì đặc tính của màng phủ là giữ ẩm đất, khó thoát hơi nước, khiến cây bị thối rễ, nhiễm bệnh héo xanh…
- Ở các tỉnh phía Bắc, có thể dùng màng phủ nilon để che phủ cho mạ gieo trong vụ Xuân. Nếu nhiệt độ bên ngoài cao trên 25 độ C cần mở nilon toàn bộ trên bề mặt luống.
Phạm Văn Phú