Hiệu quả kinh tế cao từ chuyển đổi đất lúa bạc màu sang cây trồng cạn ở Bình Định

Nông dân cải tạo đất trồng lúa để chuyển sang trồng màu. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN
Nông dân cải tạo đất trồng lúa để chuyển sang trồng màu. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Trên những chân ruộng bạc màu trồng lúa kém hiệu quả, nông dân Bình Định đã tích cực chuyển đổi sang các loại cây trồng cạn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng vụ Đông Xuân vừa qua, tỉnh đã chuyển đổi gần 850 ha cây trồng cạn trên đất lúa, chủ yếu là ngô, lạc, rau, ớt, cỏ chăn nuôi. Dự kiến, vụ Hè Thu năm 2021, tỉnh Bình Định sẽ chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa với gần 4.500 ha.

Hiệu quả kinh tế cao từ chuyển đổi đất lúa bạc màu sang cây trồng cạn ở Bình Định ảnh 1 Nông dân cải tạo đất trồng lúa để chuyển sang trồng màu. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Tại cánh đồng Chùa Từng ở xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn, trước đây, người nông dân chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên, vùng này vốn là đất cát cùng với nguồn nước tưới bấp bênh nên nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng cây lạc.

Ông Trần Văn Thành ở xã Bình Thuận đã chuyển 0,4 ha đất lúa tại cánh đồng Chùa Từng sang trồng lạc từ vụ Đông Xuân năm 2019 - 2020. Ban đầu, việc trồng lạc của ông Thành gặp nhiều khó khăn do chưa nắm bắt lịch thời vụ. Tuy nhiên, đến vụ Đông Xuân 2020 - 2021, cây lạc trúng mùa, đem lại thu nhập cao cho gia đình ông.

Ông Thành cho biết, “Trước đây, 0,4 ha đất trồng lúa của nhà tôi gần như chỉ là để có gạo ăn, giờ chuyển đổi sang trồng lạc, sau 3 tháng thu hoạch, gia đình tôi thu được 12 triệu đồng, trừ chi phí lãi gần 8 triệu đồng. Không riêng gì gia đình tôi, bà con ở đây đều chuyển đổi sang trồng lạc đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Trong vụ Đông Xuân vừa qua, huyện Tây Sơn đã chuyển đổi tổng diện tích 153 ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn như: lạc, ớt, ngô. Nhiều nông dân áp dụng cơ giới hóa, cải tiến kỹ thuật sản xuất nên đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong khi đó, huyện Phù Cát có diện tích chuyển đổi trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn cao nhất tỉnh Bình Định trong vụ Đông Xuân vừa qua với 430 ha.

Theo ông Lương Văn Khoa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Cát, xác định diện tích đất lúa không chủ động được nguồn nước tưới nên ngành chức năng huyện đã tư vấn, hướng dẫn cho nông dân chọn các loại cây trồng khác có lợi thế cạnh tranh.

Một số diện tích chuyển sang trồng cây lạc, ớt. Số diện tích khác trồng lạc xen cây mì nhằm giảm áp lực nguồn nước tưới, hạn chế rủi ro và nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một diện tích.

Ông Khoa cho biết: “Huyện Phù Cát chủ yếu là đất pha cát nên trồng lúa kém hiệu quả. Khi chuyển đổi sang trồng lạc, chúng tôi thấy đem lại hiệu kinh tế cao. Khi xen canh, cây mì tận dụng lượng phân bón dành cho cây lạc để phát triển, nhờ vậy giảm được chi phí đầu tư và công chăm sóc”.

Đối với huyện Hoài Ân, vụ Đông Xuân vừa qua, toàn huyện đã chuyển đổi trên 240 ha lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như: cây ngô, rau, dưa hay cỏ voi để nuôi bò. Các loại cây trồng cạn này vừa tiết kiệm được nước tưới vừa đem lại thu nhập cao hơn cây lúa trước đây.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa trước đây, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Ngoài ra, việc luân canh cây trồng đã giúp tiết kiệm được nước tưới, góp phần cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh.

Ông Phúc cũng nhận định, chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa đem lại hiệu quả cao nhưng việc nhân rộng gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách hỗ trợ chuyển đổi chưa thực sự mạnh mẽ để thúc đẩy.

Để tiếp tục thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định tiếp tục phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát kế hoạch chuyển đổi phù hợp từng vụ, từng năm.

Bên cạnh đó, căn cứ điều kiện thời tiết và nguồn nước tưới để xác định vùng trồng lúa kém hiệu quả; đồng thời, xác định loại cây trồng cạn để thay thế và phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng địa phương.

Các cơ quan chuyên môn tích cực hướng dẫn kỹ thuật, trồng thử nghiệm các loại cây trồng cạn mới, vừa chống chịu được thời tiết khắc nghiệt vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao để nông dân mạnh dạn sản xuất.

“Chúng tôi cũng sẽ kêu gọi các doanh nghiệp duy trì và mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhất là cây trồng chuyển đổi trên đất lúa như: ớt, vừng, lạc, ngô… Ngoài ra, khuyến khích phát triển hợp tác xã, xây dựng cánh đồng lớn và thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây trồng cho nông dân chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả”, ông Phúc cho biết.

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm