“Những con đường của ý Đảng, lòng dân” ở Cao Bằng

“Những con đường của ý Đảng, lòng dân” ở Cao Bằng
Đường nông thôn xã Bình Lãng (Thông Nông) được nhựa hóa.
Đường nông thôn xã Bình Lãng (Thông Nông) được nhựa hóa.
Toàn huyện Thông Nông hiện có 29 tuyến đường (14 tuyến đường huyện với 91 km, 15 tuyến xã với 53 km). Trong 5 năm (2011 - 2015), huyện đã mở mới được 24 km đường huyện, 42 km đường xã, bê tông 30 km đường xóm; xây mới 1 cầu treo, 2 cầu cứng, với tổng số vốn hàng trăm tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 3.000 công lao động, 8.576 m3 đá, 4.581 m3 cát. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Thuận cho biết: Xây dựng GTNT là chủ trương được nhân dân đồng tình ủng hộ, vì vậy khi huyện có chủ trương triển khai làm GTNT, nhất là đường xóm, bản, bà con đã tích cực đóng góp ngày công, góp tiền mua vật liệu, hiến đất làm đường bê tông theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền luôn thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, dân cùng bàn và quyết định nên các công trình đều được thi công nhanh và đảm bảo chất lượng. 

Xã Bình Lãng được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu của huyện trong phát triển GTNT. Chủ tịch UBND xã Bình Lãng Riêu Văn Hải cho biết: Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phong trào làm GTNT trên địa bàn xã đã phát triển một cách mạnh mẽ, trong đó chú trọng huy động sức dân để bê tông đường xóm. 

Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân góp vốn và ngày công lao động, đẩy mạnh việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Trong quá trình triển khai thực hiện, các xóm tiến hành họp dân để lấy ý kiến đóng góp dân chủ vào việc cải tạo, nâng cấp các tuyến đường, bàn bạc thống nhất trong nhân dân về đóng góp tiền, ngày công lao động và thành lập ban giám sát công trình. 

Các công trình GTNT được thực hiện theo quy hoạch và đưa vào kế hoạch hằng năm để phê duyệt nhiệm vụ đầu tư. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng đều được giám sát, thẩm định, đảm bảo chất lượng công trình. Các công trình giao thông do cấp xã quản lý, xã có kế hoạch đầu tư hằng năm thông qua HĐND xã để chủ động huy động các nguồn lực tại chỗ xây dựng công trình địa phương quản lý. Các công trình giao thông liên xóm được thực hiện với sự đầu tư xây dựng của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, tự giải phóng mặt bằng để thi công.

Với cách làm đó, xã Bình Lãng đã tạo được sự đồng thuận từ nhân dân trong phát triển GTNT. Được Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân xã Bình Lãng đã đóng góp gần 1 tỷ đồng mua vật liệu, 93 hộ dân hiến 4.650 m2 đất, góp hơn 3.000 ngày công lao động để hoàn thành trên 3.700 m đường bê tông nông thôn. Hiện toàn xã có 10/12 xóm có đường ô tô đến trung tâm xóm, trong đó có 7 xóm được rải nhựa hoặc đổ bê tông. Ông Triệu Phụ Cuổi, xóm Hoan Bua (Bình Lãng) phấn khởi nói: Trước đây, muốn đến trung tâm xã, hay đi ra các xóm khác, bà con phải qua con đường mòn leo qua vách núi, rất khó khăn, vất vả. Nay được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ làm đường to, rộng rãi, người dân rất phấn khởi. Từ nay việc đi lại của bà con cũng như vận chuyển các mặt hàng nông sản đi chợ bán sẽ không còn là nỗi lo nữa.

Với mục tiêu phát triển GTNT góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền huyện Thông Nông đã tạo được sự thống nhất cao trong toàn hệ thống chính trị ở cơ sở. Việc xây dựng các chương trình hành động, nghị quyết thực hiện các mục tiêu KT - XH, nhất là Chương trình phát triển GTNT được Huyện ủy xây dựng, triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, tạo được sự đồng thuận nhất trí trong Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể và nhân dân. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Chương trình phát triển GTNT, huyện gặp không ít khó khăn, vướng mắc, như: Ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng GTNT, công tác duy tu sửa chữa thường xuyên, cải tạo sửa chữa và đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn huyện còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý, giám sát chưa được thường xuyên, liên tục. Tiến độ thi công một số công trình còn chậm. Công tác giải phóng mặt bằng chậm (một số xóm nhân dân chưa ủng hộ đất để làm đường) làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Việc quản lý hệ thống giao thông đường huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cán bộ chuyên môn, nhất là cấp xã. Trình độ năng lực cán bộ kỹ thuật giao thông địa phương và các cơ sở còn hạn chế. Đời sống của nhân dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nên việc huy động vốn, ngày công lao động còn rất hạn chế.

Để “những con đường của ý Đảng, lòng dân” tiếp tục nối dài, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn mới, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Thuận, huyện sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện Chương trình phát triển GTNT giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn huyện. Tranh thủ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, tỉnh và huy động các nguồn lực phát triển GTNT. Phát huy vai trò và sự phối hợp của MTTQ, các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện mong Nhà nước tăng cường bổ sung nguồn vốn đầu tư cho công tác đảm bảo giao thông, công tác duy tu, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình, hạ tầng giao thông, công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra giám sát, chỉ đạo điều hành quản lý giao thông đường bộ và các công trình xây dựng cơ bản khác. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực, chuyên môn cho cán bộ địa phương và cơ sở về phụ trách và quản lý công tác bảo trì, bảo dưỡng GTNT.      
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm