Những Bí thư chi bộ 9x ở vùng cao Hà Giang: Dân tin từ những hành động thực tế

Những Bí thư chi bộ 9x ở vùng cao Hà Giang: Dân tin từ những hành động thực tế

Tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Cao đẳng hay Đại học, nhưng một số bạn trẻ thế hệ 9x lại không chọn con đường “bay nhảy” sinh sống và làm việc nơi thành thị mà chọn những miền quê xa xôi, biên giới, khó khăn, cần mẫn cống hiến qua công việc Bí thư chi bộ cấp thôn. Trong khi không ít bạn trẻ đang có xu hướng “phai Đoàn, nhạt Đảng”, thì việc những Bí thư chi bộ 9x hoàn thành tốt công việc của mình như những ngọn lửa thắp sáng, truyền thêm niềm tin vào Đảng tại những vùng quê của tỉnh Hà Giang.

Những Bí thư chi bộ 9x ở vùng cao Hà Giang: Dân tin từ những hành động thực tế ảnh 1Anh Vàng Chẩn Sơn (sinh năm 1990), Bí thư chi bộ thôn Cấu Xỉn, xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần, Hà Giang). Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Nỗ lực mở cánh cửa “lòng dân”

Bí thư chi bộ là người đại diện cho chi bộ, chi ủy trước lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội ở đơn vị. Vì vậy, Bí thư chi bộ phải xây dựng mối quan hệ thường xuyên, chặt chẽ với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội trong cơ quan, đơn vị. Vị trí này đòi hỏi nhiều trọng trách bởi họ không chỉ là hạt nhân trung tâm đoàn kết của chi bộ mà còn là người đại diện cho chi bộ trước quần chúng. Do đó, người Bí thư chi bộ phải vừa có tác phong, lề lối làm việc mẫu mực, vừa có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ năng lực để trực tiếp nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chi ủy, chi bộ.

Với những Bí thư chi bộ 9X, tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, để tạo được niềm tin, gắn kết trong chi bộ là cả một chặng đường phấn đấu bền bỉ, đầy thử thách.

Anh Vàng Chẩn Sơn (sinh năm 1990), Bí thư chi bộ thôn Cấu Xỉn, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần đã có hơn một nhiệm kỳ làm Bí thư chi bộ thôn. Nhớ lại quãng thời gian khi mới bắt tay vào công việc, trong anh lại dâng lên nhiều xúc cảm.

Những Bí thư chi bộ 9x ở vùng cao Hà Giang: Dân tin từ những hành động thực tế ảnh 2Anh Vàng Chẩn Sơn (sinh năm 1990), Bí thư chi bộ thôn Cấu Xỉn, xã Pà Vầy Sủ (Xín Mần, Hà Giang) điều hành cuộc họp chi bộ thôn Cấu Xỉn. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Sinh ra ở huyện Quang Bình, sau khi tốt nghiệp trung cấp, anh Sơn quyết định xin việc ở huyện biên giới Xín Mần với cương vị cán bộ chuyên trách cấp xã. Tuy nhiên, sau một thời gian, do thực tế từ công việc trên địa bàn, anh Vàng Chẩn Sơn được bố trí về cấp thôn và được bầu giữ chức Bí thư chi bộ thôn Khấu Xỉn.

Tuổi đời còn khá trẻ, lại không phải người địa phương, khó khăn liên tiếp dồn lên đôi vai của chàng trai chưa đầy 30 tuổi. Tuy vậy, với sự nhiệt huyết của sức trẻ, anh Sơn đã nỗ lực hết sức để mở cánh cửa “lòng dân”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân trên địa bàn. Rồi chẳng biết từ khi nào, bà con nhân dân chấp nhận và chào đón anh như một người con của quê hương.

Anh Sơn nhớ lại: Sau khi ra trường, bạn bè đồng trang lứa mỗi người đi mỗi nơi, làm việc ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề với thu nhập khá cao, nhưng anh lại quyết định ở lại mảnh đất Hà Giang, muốn góp một phần công sức nhỏ bé xây dựng quê hương mình. Đến nay, cũng đã ngót nghét gần 10 năm gắn bó với mảnh đất Xín Mần và có gần 5 năm làm Bí thư chi bộ thôn, mặc dù thu nhập khá ít ỏi, nhưng anh không hề hối hận khi lựa chọn công việc này.

Cũng giống như anh Vàng Chẩn Sơn, chị Hoàng Nhị Sơn (sinh năm 1992), Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, cũng đã gắn bó với công việc “vác tù và hàng tổng” này từ năm 2017 đến nay.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, năm 2015, đảng viên Hoàng Nhị Sơn kết hôn và chuyển về quê chồng sinh sống tại thôn Vĩnh Gia. Sau hơn 2 năm sinh hoạt ở chi bộ mới, các đảng viên trong chi bộ nhận thấy năng lực và sự nhiệt huyết của đảng viên trẻ nên đã bầu chị Sơn làm Bí thư chi bộ.

Khi mới bắt tay vào công việc, những bỡ ngỡ là điều không tránh khỏi, chị Hoàng Nhị Sơn nhớ lại buổi sinh hoạt chi bộ đầu tiên do mình chủ trì: “Lúc đó tôi khá lúng túng khi đảm đương cương vị mới, việc triển khai các văn bản, nghị quyết đến các bác, các chú đảng viên lớn tuổi khiến sự tự tin của tôi giảm đi rất nhiều”.

Tuy nhiên, với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, dám nhận sai, sửa sai, chị Hoàng Nhị Sơn cũng đã nhận được nhiều sự góp ý chân thành từ các đảng viên trong chi bộ, qua đó, chị cũng dần hoàn thiện bản thân, triển khai công việc hiệu quả hơn.

Chị Hoàng Nhị Sơn bày tỏ: Có lẽ không phải chỉ riêng chị, mà các Bí thư chi bộ trẻ khác đều gặp áp lực vô hình khi trong chi bộ có nhiều đảng viên lớn tuổi, đảng viên lão thành. Những người “trẻ tuổi đời, ít tuổi Đảng” sẽ gặp không ít khó khăn khi triển khai công việc. Để tháo nút thắt tâm lý đó, không có cách nào khác ngoài việc chuẩn bị một tâm thế cầu thị, cởi mở, dám học, dám hỏi, dám nhận sai và sửa sai.

 Để dân tin từ những hành động thực tế


Mở được cánh cửa “lòng dân” không phải việc dễ, sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức, việc làm hiệu quả nhất có lẽ chính là từ thực tế những gì mà người Bí thư chi bộ cấp thôn phải nói được, làm được người dân mới tin, có như vậy “măng non” mới nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của “tre già”.

Chị Hoàng Nhị Sơn, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Gia, xã Vĩnh Phúc cho biết: Việc triển khai tuyên truyền, đưa các nghị quyết, văn bản… của Đảng vào cuộc sống là điều không dễ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Nếu chỉ làm một cách máy móc thì rất dễ lâm vào tình cảnh hời hợt, sáo rỗng, văn bản xa rời thực tế, mặc dù có tuyên truyền, vận động đến từng nhà cũng không đạt nhiều hiệu quả.

Các đường lối, chủ trương của Đảng từ cấp Trung ương đến cấp địa phương có nhiều nội dung liên quan đến phát triển kinh tế được người dân quan tâm, tìm hiểu. Chị Sơn đã mạnh dạn đi đầu để làm gương trồng giống lúa mới. Khi tuyên truyền đến người dân, họ chưa tin, nhưng khi thấy chị triển khai, đạt hiệu quả, năng suất, chất lượng, thì người dân, đảng viên đều tin tưởng làm theo.

Hay mô hình Trồng cây dược liệu Sa Nhân của anh Ma Seo Pao (sinh năm 1995), Bí thư chi bộ thôn Ma Lỳ Sán, xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, cũng được người dân tin tưởng và làm theo.

Những Bí thư chi bộ 9x ở vùng cao Hà Giang: Dân tin từ những hành động thực tế ảnh 3Anh Ma Seo Pao (sinh năm 1995), Bí thư chi bộ thôn Ma Lỳ Sán (xã Pà Vầy Sủ, Xín Mần, Hà Giang) chăm sóc vườn cây Sa Nhân. Ảnh: Nam Thái - TTXVN

Anh Pao cho biết: Mình là người trẻ, có lợi thế trong việc tiếp cận công nghệ thông tin, do đó anh đã tự tìm hiểu và trồng thử nghiệm cây dược liệu Sa Nhân trên vùng đất biên giới Pà Vầy Sủ. Lúc đầu anh còn gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm, nhưng sau thời gian tìm tòi, học hỏi, đến nay hơn 1.500 cây Sa Nhân của anh đang phát triển tốt, người dân địa phương thấy hiệu quả đã học hỏi, trồng theo. Việc thay thế những giống cây năng suất thấp bằng những cây có giá trị kinh tế cao ở các vùng nông thôn là hướng đi đúng giúp phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là ở các địa phương biên giới.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Pà Vầy Sủ Trần Văn Long: Việc trẻ hóa lãnh đạo cấp thôn làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn. Các Bí thư chi bộ trẻ năng nổ trong công việc, quyết đoán, nói được, làm được, là người đi đầu trong triển khai các mô hình từ cải tạo vườn tạp đến trồng trọt, chăn nuôi và làm tốt việc vận động nhân dân làm theo. Đặc biệt, ở những địa bàn biên giới, nơi mỗi người dân được coi là một “cột mốc sống”, việc được đảm bảo cuộc sống, phát triển kinh tế giúp nhân dân an tâm sinh sống, cũng chính là góp phần giữ gìn an ninh biên giới.

Ông Dương Tiến Son, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bắc Quang cho rằng: Trên cơ sở phát triển nguồn đảng viên trẻ, khi bố trí được những đồng chí này làm Bí thư chi bộ thôn, tạo bước chuyển biến lớn đối với chi bộ. Trong thời kì 4.0 hiện nay, các đảng viên trẻ thực hiện công việc, áp dụng công nghệ thông tin, tiếp cận những cái mới rất tốt và nhanh nhạy; đồng thời có sự năng động, biết làm kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế rất hiệu quả, từ đó tạo sức lôi cuốn các bạn trẻ khác tìm hiểu và làm theo.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Xín Mần Sin Văn Đức cho biết: Các Bí thư chi bộ trẻ có nhiệt huyết, năng lực, trình độ chuyên môn tốt, biết áp dụng khoa học công nghệ hiệu quả trong công việc; tuy nhiên, cũng do còn trẻ nên đôi khi hạn chế trong công tác dân vận, hạn chế về kinh nghiệm, kỹ năng giao tiếp, truyền tải. Vấn đề này không thể giải quyết trong một thời gian ngắn, mà trong quá trình công tác, sự học hỏi, lắng nghe của các đảng viên trẻ sẽ dần được cải thiện và hoàn thiện.

Bí thư chi bộ cấp thôn như điểm cuối cánh tay nối dài của Đảng, việc trẻ hóa lực lượng này đang tạo nên những chuyển biến tích cực. Có lợi thế về trình độ, năng lực, đặc biệt là khát khao cống hiến với những trái tim “nóng”, những Bí thư chi bộ 9x năng động, sáng tạo, triển khai nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết… của Đảng một cách đơn giản về mặt hình thức nhưng giữ nguyên giá trị nội dung, góp phần đưa chủ trương vào cuộc sống hiệu quả hơn, đưa Đảng gần hơn với dân. Họ chính là những "bầu máu nóng" đầy nhiệt huyết nơi vùng cao.

Nam Thái

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm