Trưởng thôn Lý Văn Dau giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi suy nghĩ, thực hiện nếp sống văn minh

Ông Lý Văn Dau (bên trái) vận động người dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Quang Cường – TTXVN
Ông Lý Văn Dau (bên trái) vận động người dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Nhiệt tình, tâm huyết trong công việc, gần gũi và khéo léo trong tuyên truyền, vận động người dân, ông Lý Văn Dau, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang luôn được dân tin, dân quý.

Trưởng thôn Lý Văn Dau giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi suy nghĩ, thực hiện nếp sống văn minh ảnh 1Ông Lý Văn Dau, Bí thư Chi bộ - Trưởng thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Cách trung tâm xã Phú Thịnh hơn 6 km, thôn Nghẹt có 115 hộ dân, 100% là đồng bào người Dao Quần trắng. Được Nhà nước hỗ trợ cùng sự nỗ lực, đoàn kết của người dân nơi đây trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các phong trào thi đua phát triển kinh tế, địa phương đã có những bước chuyển mình.

Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau cho biết, 6 năm trước, địa phương là thôn khó khăn nhất của xã Phú Thịnh; kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào việc trồng ngô, sắn. Người dân vẫn duy trì những phong tục tập quán lạc hậu trong việc cưới, tang khiến kinh tế càng trở nên khó khăn hơn.

Trước thực trạng trên, ông Dau bắt đầu vận động gia đình, họ tộc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Không chỉ tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, ông còn tranh thủ trò chuyện những lúc đi làm nương, hoặc trực tiếp đến từng nhà phân tích, trao đổi với bà con về hậu quả của những phong tục tập quán lạc hậu như: gây tốn kém, mất an ninh trật tự khi tổ chức đám cưới, đám tang kéo dài nhiều ngày, cảnh nợ nần túng quẫn của nhiều cặp vợ chồng vì tục thách cưới, ô nhiễm môi trường khi chôn cất người chết gần nhà…

Nhờ sự bền bỉ của những cán bộ, trong đó có Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lý Văn Dau đã từng bước giúp người dân thay đổi nhận thức. Đến nay, thôn Nghẹt đã xây dựng được hương ước, quy ước thôn, có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Hàng năm, 100% gia đình đăng ký thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện chuyên đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Kết quả bình xét hàng năm cho thấy, đều có trên 85% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Không chỉ giúp người dân thay đổi suy nghĩ, thực hiện nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, ông Dau còn có đóng góp trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Trước đây, con đường dân sinh qua thôn Nghẹt luôn trơn trượt, khó đi. Ông đã đến từng ngõ, gõ từng nhà vận động, giải thích để người dân hiểu rõ về lợi ích của việc làm đường. Đến nay, 4 km đường qua thôn đã được bê tông hóa, thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, vận chuyển nông, lâm sản của bà con. Ngoài ra, địa phương còn có nhà văn hóa khang trang với 120 chỗ ngồi, có sân chơi thể thao rộng rãi; tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch cao nhất xã với trên 95%.

Trưởng thôn Lý Văn Dau giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi suy nghĩ, thực hiện nếp sống văn minh ảnh 2Ông Lý Văn Dau (bên trái) vận động người dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ảnh: Quang Cường – TTXVN

Bà Bàn Thị Pén (thôn Nghẹt) cho biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Dau đã đến từng nhà vận động người dân tham gia đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường giao thông. Năm 2021, gia đình bà đã hiến hơn 100 m2 đất để làm nhà văn hóa thôn.

Ông Dau còn đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập. Ông đã mạnh dạn nhận trồng 6 ha rừng thay cho diện tích trồng ngô, sắn của gia đình. Mô hình này đã phát huy hiệu quả. Từ đó, nhiều hộ dân trong thôn đã làm theo ông và xây dựng được mô hình kinh tế vườn rừng hiệu quả như: ông Lý Văn Lập có 15 ha, ông Lý Văn Thông có 8 ha, ông Bàn Văn Tự có 10 ha… thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Ông Lý Văn Thông (thôn Nghẹt) cho hay, gia đình ông đã nhận giao khoán trồng và bảo vệ rừng với hơn 8 ha (3 ha rừng sản xuất, 5 ha rừng phòng hộ). Thu nhập từ trồng rừng cao và ổn định hơn so với trồng ngô, sắn. Nhờ đó, gia đình ông không chỉ thoát nghèo mà còn có tiền đầu tư chuồng trại để chăn gia súc.

Ông Tạ Xuân Trình, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh, huyện Yên Sơn cho biết, là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, ông Lý Văn Dau đã cùng Ban Chi ủy Chi bộ thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Dau còn thường xuyên tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về những nội dung về bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Dao; tuyên truyền, vận động đồng bào Dao trong thôn gìn giữ các phong tục tập quán như: trang phục, tiếng nói, lễ cấp sắc, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên và các tết trong năm, góp phần đưa xã Phú Thịnh hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới.

Ông Lý Văn Dau đã được Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2022. Ban Dân vận Tỉnh ủy Tuyên Quang tặng Giấy khen đã có thành tích trong thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2016 - 2021. Ông còn được UBND huyện Yên Sơn tặng Giấy khen đã có thành tích trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2021; Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc giai đoạn 2014 - 2019.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm