Học tập và làm theo Bác "việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh", những năm qua, rất nhiều Bí thư Chi bộ cơ sở ở huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã luôn gương mẫu, đi đầu, tận tụy, hết mình với dân, với thôn bản. Nhờ vậy, đời sống của người dân đã được nâng cao, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo và đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương...
* Bảo đảm an ninh, trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều năm nay, bà Giàng Thị Chía, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) luôn được biết đến là người uy tín ở thôn Ngòi Khù. Học tập và làm theo lời Bác, nói phải đi đôi với làm, những năm qua, bà Chía đã luôn gương mẫu, tích cực vận động người Mông ở thôn Ngòi Khù không nghe lời kẻ xấu, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, qua đó, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự và sự phát triển của địa phương.
Bà Giàng Thị Chía cho biết: Ngòi Khù hiện có 35 hộ dân, với 140 nhân khẩu, trong đó 97% là đồng bào dân tộc Mông. Trong thôn có 80 tín đồ theo đạo Tin lành đã được Nhà nước, chính quyền công nhận và được phép sinh hoạt theo điểm nhóm. Trước đây, do trình độ dân trí còn thấp và không đồng đều, đời sống người dân trong thôn còn nhiều khó khăn nên có nhiều người dân dễ bị ảnh hưởng bởi tệ nạn mê tín dị đoan, cờ bạc. Lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều kẻ xấu đã xúi giục người dân tham gia vào tổ chức tôn giáo trái pháp luật, di dân tự do, gây mất ổn định an ninh, trật tự, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong thôn… Trước tình hình đó, bà Chía đã tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của địa phương. Đồng thời, phối hợp với lực lượng Công an xã, Công an huyện thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phòng, chống tội phạm; triển khai ký cam kết không vi phạm pháp luật, không sử dụng, tàng trữ các loại pháo nổ và vũ khí tự chế; phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động tôn giáo đến toàn thể nhân dân trong thôn…
Trên cương vị là Bí thư Chi bộ, người uy tín ở thôn Ngòi Khù, bà Giàng Thị Chía thường xuyên sâu sát với nhân dân, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người dân trên địa bàn, kịp thời tham mưu với cấp ủy để tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhân dân; tích cực vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương… Nhờ đó, đến nay, đời sống kinh tế - xã hội của người dân trong thôn từng bước được nâng lên, tình hình an ninh, trật tự được đảm bảo. Năm 2015, 100% hộ dân trong thôn thuộc hộ nghèo, đến nay thôn giảm chỉ còn 9 hộ nghèo. Nhiều hộ dân trong thôn đã mua sắm được ti vi, tủ lạnh, xe máy… phục vụ sinh hoạt gia đình. 3 năm vừa qua, người dân trong thôn đã đóng góp gần 100 triệu đồng và hàng trăm ngày công lao động để làm đường bê tông nông thôn…
Ông Sùng Seo Chính, dân tộc Mông, thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện chia sẻ: Nhiều năm trước đây, tôi nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu bỏ thôn đi xa. Sau đó, được Bí thư Chi bộ Giàng Thị Chía vận động, tôi đã không nghe lời kẻ xấu để bỏ thôn đi nơi khác nữa, tôi đã tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Gia đình tôi nhận 4 ha đất để trồng rừng theo hình thức liên doanh với Công ty trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Yên Sơn. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, rừng trồng của gia đình tôi đã phát triển tốt. Cách đây 4 năm, gia đình tôi đã khai thác 1ha rừng trồng, thu về trên 100 triệu đồng. Có vốn, gia đình tôi tiếp tục phát triển sản xuất, trồng thêm 200 gốc cam vinh, bưởi diễn và chăn nuôi trâu, nhờ vậy cuộc sống gia đình cải thiện rất nhiều.
Chị Thào Thị Sâu, dân tộc Mông, thôn Ngòi Khù, xã Đạo Viện cho biết: Cuộc sống của người dân trong thôn hiện nay đã được nâng lên nhiều, thôn đã có điện lưới quốc gia, có nhà văn hóa khang trang; các hộ dân đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, biết sử dụng máy cày, máy bừa để giảm sức lao động… Có được những điều này, người dân chúng tôi phải cảm ơn đồng chí Bí thư Chi bộ Giàng Thị Chía nhiều lắm. Nhờ đồng chí Bí thư vận động, tuyên tuyền, người dân chúng tôi đã đoàn kết, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Năm nay 70 tuổi, bà Giàng Thị Chía không chỉ là người uy tín ở xã Đạo Viện, những năm qua, với vai trò là người uy tín của đồng bào Mông trên địa bàn huyện Yên Sơn, bà Chía đã tích cực tham gia vận động người Mông ở các xã Hùng Lợi, Trung Minh (huyện Yên Sơn) không nghe lời kẻ xấu, không tham gia vào các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp mà tập trung phát triển kinh tế, xây dựng quê hương…
Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng nhân dân Bí thư Chi bộ Giàng Thị Chía cho rằng, muốn vận động được nhân dân thì bản thân mình phải là người gương mẫu thực hiện trước; phải thường xuyên tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Ngoài ra, phải xây dựng kế hoạch, phương pháp tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến người dân một cách hiệu quả, phù hợp; phải công khai, minh bạch tất cả các khoản có sự đóng góp của nhân dân; biểu dương kịp thời những tấm gương điển hình trong việc chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương… để tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, bởi khi có được sự đồng lòng của nhân dân thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua...
Với nhiều thành tích xuất sắc, bà Chía đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang vì đã có thành tích góp phần thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2005 – 2012; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang vì có thành tích góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (năm 2014); Bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận năm 2014; Bằng khen của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang vì đã có nhiều thành tích cống hiến cho sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và công tác Mặt trận (năm 2018)…
* Góp phần thay đổi “bộ mặt” làng quê
Cũng như bà Chía, ông Mã Phúc Hương, dân tộc Tày, Bí thư Chi bộ thôn Làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) được biết đến là người Bí thư Chi bộ hết mình vì dân. Năm nay bước sang tuổi 52 và đã có 24 năm tổi Đảng, ông Mã Phúc Hương, cho biết: Thôn Làng Hản có 112 hộ dân, trong đó 95% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày; đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, ngoài việc tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, chi bộ chúng tôi còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đảng viên, mỗi đảng viên phụ trách giúp đỡ một hộ nghèo, hướng dẫn hộ dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; tăng gia lao động sản xuất để nâng cao thu nhập…
Nhờ sự tuyên truyền, vận động của ông Hương, phong trào xây dựng nông thôn mới tại Làng Hản đã đạt được những kết quả nội bật. Thôn có 40 hộ dân tự nguyện hiến đất làm đường bê tông với tổng số 1.200m2. Hiện 100% đường liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa; thôn đã xây dựng được nhà văn hóa đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt 27 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7 hộ (giảm 11 hộ so với năm 2019); tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 70%.
Ngoài ra, ý thức về bảo vệ môi trường của người dân trong thôn cũng được nâng cao. Thôn đã xây dựng được 15 bể chứa rác thải đồng ruộng; 10 thùng chứa rác công cộng; 100 hộ dân trong thôn có thùng, hố rác tại nhà để phân loại rác… Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong thôn ngày càng được nâng lên, góp phần giúp xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Ông Đỗ Văn Sơn, thôn Làng Hản, xã Kim Quan chia sẻ: Nhờ có sự tuyên truyền, vận động của ông Hương nên chúng tôi hiểu được vai trò, ý nghĩa và quyết tâm xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Từ khi hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thôn chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn. Thôn có đường bê tông kiên cố giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân rất thuận lợi; cảnh quan môi trường tại thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp. Bên cạnh đó, nhờ có nhà văn hóa gắn với sân thể thao nên chúng tôi có nơi hội, họp, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tăng tình đoàn kết trong thôn xóm, từ đó cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống…
Là hộ dân mới thoát nghèo ở thôn Làng Hản, xã Kim Quan, ông Lương Xuân Túc, dân tộc Tày cho biết: Đời sống của gia đình tôi trước đây còn nhiều khó khăn lắm. Gia đình có 6 “miệng ăn” mà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và mấy sào ngô, do không biết áp dụng khoa học vào sản xuất nên năng suất lúa, ngô thấp, làm mãi mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám. Vài năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước và được ông Hương cùng với cán bộ xã, thôn hướng dãn cách trồng trọt nên năng xuất lúa, ngô cũng cao hơn, gia đình tôi có thêm thu nhập để mua thêm trâu về nuôi. Hiện gia đình tôi đang trồng, cấy gần 1 mẫu ngô, lúa và nuôi 5 con trâu. Mỗi năm từ chăn nuôi và trồng trọt, gia đình tôi cũng thu về khoảng 60 triệu đồng. Năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và số tiền tiết kiệm, gia đình tôi đã xây được nhà mới khang trang và vươn lên thoát nghèo.
Ông Phạm Ninh Thái, Bí thư huyện ủy huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho biết, bà Giàng Thị Chía và ông Ma Phúc Hương là hai Bí thư Chi bộ điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện. Hai đồng chí là “cầu nối” giữa cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Những năm qua, nhờ có sự tận tụy, hết mình với công việc, sự sáng tạo trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, hai đồng chí đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Những việc làm của hai đồng chí Ma Phúc Hương và Giàng Thị Chía đã minh chứng rõ nét trong việc phát huy vai trò của người đứng đầu chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội tại địa phương. Trên cơ sở đó, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng; nâng cao vai trò, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị… trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện, kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những tấm gương người tốt, việc tốt./.
Vũ Quang Đán