Lâu nay, người K’ho Cil ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) vẫn coi chị Kon Sơ K’Thu là chỗ dựa, bởi ngoài tinh thần gương mẫu, luôn hướng dẫn bà con thực hiện chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước trong cuộc sống thường ngày và phòng, chống dịch COVID-19, nữ Bí thư Chi bộ này còn hướng dẫn họ cách làm kinh tế, bao tiêu nông sản giúp họ đảm bảo cuộc sống...
Tới thôn Đa Cháy, xã Đạ Nhim vào giữa trưa một ngày tháng 8, chúng tôi vẫn thấy chị Kon Sơ K’Thu đang miệt mài thu mua nông sản do bà con đưa đến. Những đống bí đỏ, đậu cô ve, đậu đũa, rau cải thảo… được chị đóng thành từng túi theo trọng lượng cố định, xếp gọn gàng để chuẩn bị giao cho khách hàng ở các tỉnh, thành phố miền Trung, miền Nam - những nơi xảy ra dịch COVID-19 đang rất cần các loại rau, củ, quả này.
Chị Kon Sơ K’Thu cho biết, chị bắt đầu thu mua nông sản của bà con trong xã từ hơn một năm nay. Trước đây, gia đình chị cũng như hàng trăm hộ dân người K’ho Cil ở địa phương chủ yếu sống nhờ vào cây cà phê. Mấy năm gần đây, giá cà phê xuống thấp, chị chuyển sang trồng các loại rau, đậu ngắn ngày trên diện tích 1,4 ha. Nhận thấy mặt hàng này dễ bán, lại được giá, chị vận động bà con trong xã trồng và thu mua lại sản phẩm, nên thu nhập của đồng bào đã tăng lên rất nhiều. Bà con có thu nhập đều quanh năm, thay vì cả năm mới hái được một vụ cà phê như trước đây.
Do dịch COVID-19 nên việc lưu thông hàng hóa khó khăn. Nhiều tỉnh, thành phố tiêu thụ nông sản số lượng lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa… bị phòng tỏa, vì vậy giá các loại rau, củ này xuống rất thấp, xong vẫn khó bán. Chị lên các trang mạng xã hội như trang Rau củ quả Đà Lạt, Chợ tốt Đà Lạt, Nông sản hôm nay… tìm tới những khách hàng mới để tiêu thụ sản phẩm. Mỗi kg bí đỏ hồ lô, chị mua với giá 9.000 đồng bán 10.000 đồng, đậu leo 7.000 đồng bán 8.000 đồng, coi như lấy công làm lãi. Có hôm, vùng khách đặt hàng bất ngờ bị phong tỏa, chị phải tìm mối khác bán rẻ để giữ chữ tín. Vậy nhưng bà con mang tới bao nhiêu nông sản, chị vẫn mua hết dù biết có khi sẽ thua lỗ.
Người dân tộc ở Tây Nguyên thường chỉ nghe theo những người tới vận động bằng việc làm chứ không chỉ từ lời nói. người nữ Bí thư Chi bộ thôn Đa Cháy ấy đã trở thành tấm gương sáng để bà con và các đảng viên của huyện Lạc Dương noi theo.
Có những điều khiến người dân nơi đây còn nhắc mãi. Đó là tinh thần học tập của chị Kon Sơ K’Thu, khi chị học Trung học Phổ thông, thi tới lần thứ 5 mới tốt nghiệp mà chị không bỏ cuộc. Hay như mô hình chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng rau, đậu leo là do chị đi học hỏi từ nơi khác về, thực hiện thành công rồi mới bày cho bà con làm, đến nay có hiệu quả rõ rệt. Đặc biệt, việc chị lên mạng xã hội livestream bán hàng trực tuyến để tiêu thụ sản phẩm cho bà con bằng tiếng Kinh chưa sõi của mình, khiến nhiều người nể phục.
Ông Hoàng Ngọc Tú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đạ Nhim cho biết, chị Kon Sơ K’Thu được kết nạp Đảng năm 2008, nhưng là một trong những đảng viên năng động nhất địa phương. Hiện, chị là Bí thư Chi bộ thôn Đa Cháy, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Đạ Nhim. Chi bộ thôn này có 14 đảng viên, nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Tập thể Chi bộ luôn gương mẫu vận động bà con trong các phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhờ sự tích cực, hăng hái của chị cùng các thành viên trong Chi bộ, bốn tuyến đường trong thôn được Nhà nước đầu tư vật liệu, bà con hiến đất, bỏ công sức và thậm chí còn đóng thêm tiền để bê tông hóa sạch đẹp. Ngoài ra, các đảng viên của chi bộ còn đến từng nhà vận động con em mình không bỏ học, không hôn nhân cận huyết, tảo hôn và tích cực mua bảo hiểm y tế…
Chi bộ thôn Đa Cháy do chị Kon Sơ K’Thu làm Bí thư đã trở thành đơn vị điển hình cho các chi bộ khác học tập. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh, nữ Bí thư Chi bộ này đã đi từng nhà vận động bà con thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, tổ chức Đội tự quản thành lập “vùng xanh” để bảo vệ thôn làng trước đại dịch COVID-19…
Chu Quốc Hùng