"Luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công việc, không ngại khó, ngại khổ…" là những lời nhận xét của người dân xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về những nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn trên địa bàn xã. Phát huy vai trò, phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, nhiều năm qua, những nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn ở Xuân Quang đã tích cực vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng quê hương… góp phần đưa xã Xuân Quang “về đích” nông thôn mới.
Nỗ lực giúp người dân vượt khó
Để hiểu rõ hơn về vai trò của những nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn ở Xuân Quang, chúng tôi tìm về thôn Làng Lạc - thôn điển hình về xây dựng nông thôn mới ở xã Xuân Quang. Bà Bàn Thị Nguyệt, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn thôn Làng Lạc chia sẻ: Làng Lạc có 167 hộ dân, trong đó, 65% là đồng bào dân tộc Tày. Kinh tế của người dân trong thôn chủ yếu là trồng rừng, phát triển nông nghiệp, chăn nuôi… Năm 2008, bà được các đảng viên, người dân trong thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, sau đó là Bí thư Chi bộ. Trải qua nhiều năm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn bà luôn vận động người dân trong thôn đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập... Qua đó, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới.
Nhờ sự vận động của bà Nguyệt cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân thôn Làng Lạc đã đóng góp hoàn thành hơn 2 km đường bê tông nông thôn; 500 m đường bê tông nội đồng, thôn xây dựng được nhà văn hóa gắn với sân thể thao khang trang, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong thôn Làng Lạc đạt trên 36 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm còn 4 hộ (giảm 2 hộ so với năm 2019).
Là hộ dân mới vươn lên thoát nghèo ở Làng Lạc, bà Hà Thị Duyên, dân tộc Tày cho biết: Trước đây, vì điều kiện kinh tế khó khăn nên cả gia đình tôi phải sống trong căn nhà tạm, mỗi lần mưa lớn là nhà có thể bị sập bất cứ lúc nào. May mắn, năm 2018, được bà Nguyệt vận động, kêu gọi người dân trong thôn giúp đỡ cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã xây dựng được ngôi nhà. "Có nhà ở kiên cố gia đình tôi an tâm sản xuất, phát triển chăn nuôi, trồng trọt, ngoài ra tôi còn sắp xếp thời gian để đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, năm 2019, gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo", bà Hà Thị Duyên chia sẻ.
Nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc
Sinh năm 1983, năm nay chị Ma Thị Tuyết, dân tộc Tày đã có kinh nghiệm 5 năm làm Trưởng thôn và 3 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Làng Ngõa, xã Xuân Quang. Chị Tuyết là một trong những nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn trẻ tuổi nhất ở Xuân Quang.
Theo chị Ma Thị Tuyết cho biết: Xác định phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho người dân là điều kiện quan trọng, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới nên những năm qua thôn đã xây dựng kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đoàn thể trong thôn, lồng ghép với các cuộc vận động: Nông dân thi đua phát triển kinh tế, phụ nữ thực hiện “5 không, 3 sạch” (không đói nghèo, không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không bất bình đẳng giới, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ em suy dinh dưỡng; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp), thanh niên phấn đấu lập thân, lập nghiệp… Ngoài ra, với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn, chị Tuyết còn phân công nhiệm vụ cho từng đảng viên trong Chi bộ, mỗi đảng viên phụ trách giúp đỡ một hộ nghèo hoặc cận nghèo, giúp các hộ này đưa tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi… từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu trên quê hương.
Chị Hà Thị Thêm (một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở thôn Làng Ngõa) cho biết, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ma Thị Tuyết là người rất tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Trước đây, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, còn hiện nay mỗi năm thu về khoảng 300 triệu đồng. Có được kết quả này là nhờ Tuyết đã vận động gia đình tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình còn nấu rượu, làm thêm máy xay xát phục vụ người dân trong thôn và trồng 3 ha rừng.
Nhờ sự nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ thôn mà đứng đầu là Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ma Thị Tuyết, cùng sự nỗ lực trong phát triển kinh tế của người dân, Làng Ngõa đã có nhiều thay đổi. Thôn có 108 hộ dân, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày. Toàn thôn hiện có 200 ha rừng, 150 con trâu. Thôn đã làm được gần 4 km đường bê tông nông thôn; trẻ em trong thôn được đến trường đầy đủ; 100% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo giảm còn 7 hộ (giảm 3 hộ so với năm 2019)
Cùng đoàn kết xây dựng quê hương
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn khi đảm nhận vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, bà Bàn Thị Nguyệt và chị Ma Thị Tuyết cho biết, thuận lợi là luôn được gia đình ủng hộ, chia sẻ, tạo điều kiện để hoàn thành công việc. Còn khó khăn là bản thân phải nỗ lực nhiều hơn để chứng minh năng lực, tạo niềm tin đối với người dân; phải sắp xếp thời gian, công việc hợp lý để vừa hoàn thành công việc của thôn, xã, vừa chăm lo cho gia đình.
Để làm tốt công việc được giao, vận động được người dân bà Nguyệt và chị Tuyết đều phải là người gương mẫu, linh hoạt trong cách vận động quần chúng nhân dân. Đồng thời phải sâu sát, gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến đóng góp của những người đi trước để hoàn thiện bản thân; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của người dân; luôn học hỏi kinh nghiệm từ các thế hệ trước. Đặc biệt, trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, phải tạo được sự đồng thuận trong chi bộ, quần chúng nhân dân, huy động sự vào cuộc của tất cả các đoàn thể; công khai, minh bạch các khoản đóng góp; việc dễ làm trước, việc khó làm sau… Khi người dân thấy được hiệu quả, lợi ích từ những việc mình làm, cùng đoàn kết xây dựng quê hương thì khó khăn nào cũng vượt qua.
Ông Triệu Quang Hải, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang cho biết: Xã có trên 1.200 hộ dân, trong đó 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày. Xã hiện có 12 thôn bản, trong đó 9 thôn có bí thư chi bộ, trưởng thôn là nữ. Ở họ có điểm chung nhiệt tình, khéo léo với công việc, làm việc vì lợi ích của cộng đồng thôn xóm, được đảng viên, nhân dân tin tưởng và yêu mến. Nhờ có sự nhiệt huyết, sáng tạo, trách nhiệm của các nữ bí thư chi bộ, trưởng thôn trên địa bàn, Xuân Quang đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.
Hiện, trên 99% người dân trong thôn được sử dụng điện an toàn theo yêu cầu của ngành điện; 100% số trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn Quốc gia; 12/12 thôn bản có nhà văn hóa gắn với sân thể thao khang trang; thu nhập bình quân đầu người đạt 33,52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,53%...
Vũ Quang