Toàn cảnh hội nghị. |
Trong 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô (2013 - 2017), mặc dù còn gặp nhiều khó khăn như: Biến đổi khí hậu cực đoan, giá cả vật tư đầu vào ngày một tăng cao, tốc độ đô thị hóa nhanh… nhưng ngành nông nghiệp Hà Nội vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2017 đạt 35.133 tỷ đồng, tăng 13,8% so với năm 2013. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2017 tăng bình quân 2,23%/năm; tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,35%, trong đó: trồng trọt tăng 2,4%, chăn nuôi tăng 4,0%, thủy sản tăng 6,06%.
Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Thủ đô sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. |
Tái cơ cấu nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt, chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành... thăm quan Khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Thủ đô bên lề hội nghị. |
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có nhiều chuyển biến tích cực, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phát huy hiệu quả. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, đưa các giống mới, chất lượng vào sản xuất được tăng cường; việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngành nông nghiệp Hà Nội đã hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của người dân...; thu nhập và đời sống người dân ngày càng được cải thiện, giá trị kinh tế trên 1 ha canh tác đạt bình quân 269 triệu đồng. Hạ tầng kinh tế kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, nông thôn ngày càng đổi mới. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn ngày càng tăng (cuối năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng 14 triệu đồng so với năm 2013). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn khoảng 2,57%. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nông dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế cuối năm 2017 trên địa bàn toàn Thành phố đạt 86,06% (vượt 3,26% so với kế hoạch đề ra). Một trong những kết quả nổi bật trong 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô là thành tựu trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Hà Nội đã có 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”, tăng 3 huyện so với năm 2013. Ngoài ra, 294/386 xã (chiếm 76,16%) đã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 244 xã so với năm 2013. Hà Nội được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. |
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thành công đầu tiên là công tác dồn ghép ruộng đất, tạo đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục phát huy lợi thế là nơi tập trung nguồn tri thức lớn, phát triển Hà Nội thành trung tâm về chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi; quan tâm hơn nữa đến phát triển nông nghiệp hữu cơ, tiến tới xây dựng vành đai xanh cho các nông sản an toàn…
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đánh giá cao những kết quả Hà Nội đạt được sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đề nghị các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, thực hiện việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao vai trò trách nhiệm, hiệu quả công việc. Đổi mới, nâng cao năng lực tham mưu, năng lực quản lý nhà nước toàn diện lĩnh vực NN&PTNT. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, phù hợp Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đào tạo nghề để nông dân chủ động tham gia vào cuộc cách mạng khoa học 4.0; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu sản xuất…; các sở, ban ngành, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa; thúc đẩy ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ cao vào các lĩnh vực sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ mới, thành tựu của cuộc cánh mạng 4.0 vào sản xuất nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam trao tặng Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 7 tập thể, cá nhân có thành tích trong 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội. |
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Nội. |
Cũng tại hội nghị, 7 tập thể, cá nhân đã được Bộ NN&PTNT trao tặng Bằng khen; 18 tập thể, cá nhân khác cũng được UBND TP Hà Nội trao tặng Bằng khen.
Một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Hà Nội được giới thiệu bên lề hội nghị. |
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng