Nhiều xã thuộc khu vực III ở Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới

Nhiều xã thuộc khu vực III ở Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh vừa công nhận thêm 7 xã trên địa bàn đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới của tỉnh lên 35 xã. Việc công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới ngay trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022 đã mang đến niềm vui, niềm phấn khởi cho chính quyền và nhân dân các xã, nhất là đối với các địa phương thuộc khu vực III – khu vực đặc biệt khó khăn.

Cụ thể, 7 xã mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Chư Hreng, Kroong của thành phố Kon Tum; Đăk Hring, huyện Đăk Hà; Sa Bình, huyện Sa Thầy; Ia Dom, huyện Ia H’Drai; Đăk Kroong, huyện Đăk Glei và xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông. Trong số đó, có 5 xã thuộc diện xã khu vực III đã nỗ lực phấn đấu, phát triển kinh tế - xã hội để đạt chuẩn nông thôn mới là Đăk Tăng, Đăk Kroong, Ia Dom, Sa Bình và Đăk Hring.

Nhiều xã thuộc khu vực III ở Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 1Công ty Điện lực Kon Tum và chính quyền địa phương trao tặng quà cho người dân tại xã Đăk Ring, huyện Kon Plông đón Tết. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) là một trong những địa phương thuộc xã khu vực III mới được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu tháng 1/2022. Thời điểm mới được thành lập năm 2013, địa phương này là xã biên giới có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Chính vì vậy, nhằm thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển đời sống cho bà con nhân dân trên địa bàn, đầu năm 2021, UBND tỉnh Kon Tum đã lựa chọn xã Ia Dom để đầu tư, xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Võ Tấn Lạc, Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm 2021, cán bộ và nhân dân xã đã đoàn kết, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ. Nhờ đó, đến cuối năm 2021, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí thành phần xây dựng nông thôn mới; 100% hệ thống giao thong được bê tông hóa, 100% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 20 triệu đồng so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,49%;…

"Việc xã Ia Dom được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới là niềm vui, niềm vinh dự của cán bộ và nhân dân trên địa bàn xã sau nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và quyết tâm vượt khó khăn của nhân dân đã chung tay phát huy sức mạnh tập thể với mục tiêu chung đã được tỉnh giao. Đồng thời, thể hiện tính tự lực, phát huy nội lực của từng hộ dân khi xác định nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới", ông Võ Tấn Lạc khẳng định.

Trong khi đó, xã vùng III Đăk Tăng của huyện 30a Kon Plông cũng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2022. Xã có 471 hộ dân với hơn 1.600 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Xê Đăng (chiếm 98%), địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, không tập trung, giao thông đi lại hết sức khó khăn, thời tiết phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Khi được UBND tỉnh Kon Tum chọn để đầu tư, xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, chính quyền và nhân dân xã Đăk Tăng đã chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành các tiêu chí thành phần xây dựng nông thôn mới. Tính trong giai đoạn 2016 – 2021, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã đạt trên 27,3 tỷ đồng; trong đó, có gần 24 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, hơn 1,8 tỷ đồng được nhân dân trên địa bàn đóng góp, số còn lại từ ngân sách của tỉnh.

Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm, chung sức, chung lòng của chính quyền và nhân dân, đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới: 100% các tuyến đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; trên 70% trường học các cấp có cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn, làng có nhà văn hóa cộng đồng; trên 75% nhà ở đạt tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm bợ, dột nát; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 35,05 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,14%…

"Bà con nhân dân trên địa bàn xã rất vui mừng, phấn khởi vì xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là ngay trước dịp đón Tết Nhâm Dần 2022. Dù xuất phát điểm còn nhiều khó khăn, nhưng công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã đã nhận được sự ủng hộ và đóng góp to lớn của bà con nhân dân, cho thấy sự đoàn kết, gắn bó, cùng chung sức của đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt nông thôn của xã Đăk Tăng", ông Trần Văn Nết phấn khởi nói.

Theo đánh giá của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum, dù điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, song 7 xã mới đạt chuẩn nông thôn mới của địa phương đã nỗ lực phấn đấu và hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra. Kết quả này đã thể hiện được sự quyết tâm chính trị ở các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; sự đồng thuận và tích cực thi đua xây dựng nông thôn mới của người dân trên địa bàn.

Nhiều xã thuộc khu vực III ở Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới ảnh 2UBND tỉnh Kon Tum trao quyết định công nhận xã Kroong, thành phố Kon Tum đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: TTXVN phát

Ông Trịnh Văn Sơn, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Kon Tum cho biết, đối với các địa phương, việc hoàn thành xây dựng nông thôn mới là thành quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là nhân dân trên địa bàn. Do đó, đây là niềm tự hào của người dân và là cơ sở để địa phương tiếp tục thi đua, phấn đấu, phát huy những thành tựu đã đạt được, tiếp tục xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí một cách bền vững, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết quả này đã góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu trong năm đề ra; đồng thời, thể hiện được sự phát triển vùng nông thôn trong tỉnh, là tiền đề, là cơ sở để các địa phương khác phấn đấu thực hiện, xây dựng khu vực nông thôn ngày một phát triển, chất lượng cuộc sống người dân nông thôn ngày càng nâng cao. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra là có 60 xã đạt chuẩn nông thôn mới, ông Trịnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, năm 2022, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu phấn đấu có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã tăng từ 1 -2 tiêu chí. Đây được xem là nhiệm vụ khó khăn, bởi những địa phương được chọn đều là những xã khó khăn, đặc biệt là các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo có tỷ lệ đạt chuẩn rất thấp. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, cùng sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Kon Tum kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Nhờ đó, thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đưa đời sống của nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc.

Dư Toán

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm