Huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) tăng tốc đạt chuẩn nông thôn mới trong quý I năm 2022

Đường vào trung tâm huyện Bảo Lâm. Nguồn: baolamdong.vn
Đường vào trung tâm huyện Bảo Lâm. Nguồn: baolamdong.vn

Cho đến thời điểm này, 2 xã cuối cùng của huyện Bảo Lâm đã hoàn thành các tiêu chí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh Lâm Đồng thẩm định, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021. Huyện Bảo Lâm đang tăng tốc để hoàn thiện các tiêu chí, trình Chính phủ thẩm định, công nhận huyện đạt nông thôn mới vào năm 2022.

Huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) tăng tốc đạt chuẩn nông thôn mới trong quý I năm 2022 ảnh 1Đường vào trung tâm huyện Bảo Lâm. Nguồn: baolamdong.vn

Theo thông tin từ UBND huyện Bảo Lâm, tính đến tháng 12/2021, trên địa bàn huyện đã có 11/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2020. Hiện tại chỉ còn 2 xã Lộc Bắc và Lộc Bảo chưa được công nhân, nhưng đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí, hiện đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Lâm Đồng thẩm định, công nhận xã nông thôn mới 2021.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết: Bảo Lâm là huyện có cơ cấu sản xuất nông nghiệp tới 80%. Trong khi thế mạnh của huyện là điều kiện đất đai, thổ nhưỡng thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp như cà phê, chè, dâu tằm, cây ăn trái có giá trị cao, thì cũng có nhiều khó khăn, nhất là tỷ lệ người dân tộc thiểu số trên địa bàn với 30%, có trình độ khoa học kỹ thuật thấp. Để hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới theo quy định, huyện đề cao tiêu chí tăng thu nhập cho bà con. Sau khi tập trung tuyên truyền vận động, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tập trung vào khâu chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, thu nhập của các hộ đã tăng từ 110 triệu đồng năm 2016 lên 145 triệu đồng/ha năm 2021. Hiện trên địa bàn đã có các sản phẩm OCOP nổi tiếng có thương hiệu địa phương như Bơ 034, Sầu riêng Long Thủy, Dứa Lê Dương…

Xã Lộc Bắc là địa phương điển hình trong phong trào vượt khó để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Hệ thống giao thông đã được cứng hóa tại các thôn làng. Ngay trung tâm xã, các ngôi trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở cao tầng khang trang đủ điều kiện phục vụ việc dạy và học tại địa phương. Chợ trung tâm xã với các quầy bán sản phẩm tiêu dùng, vật tư nông nghiệp đủ các mặt hàng để phục vụ người dân địa phương. Đi tới các thôn làng, hầu như tất cả các hộ dân người dân tộc thiểu số trên địa bàn đều có máy cày, máy nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Ông K’Núi, Chủ tịch UBND xã Lộc Bắc cho biết, đây là xã vùng sâu, vùng xa, xã khó khăn và là xã an toàn khu của huyện trong chiến tranh. Xã có 4/4 thôn với trên 4.800 nhân khẩu thì có tới 72,9% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc gốc Tây Nguyên. Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì khó nhất là tiêu chí thu nhập bình quân trên đầu người, nhưng đến nay xã cũng đã hoàn thành. Để đạt được điều này, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền vận động, mở lớp tập huấn cho các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập. Bà con ở đây chủ yếu sản xuất trà, cà phê bằng các loại giống năng xuất cao. Hiện tại, toàn xã chỉ còn 3,3% số hộ nghèo theo tiêu chí cũ, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,5 triệu đồng/người/năm…

Năm 2022, huyện Bảo Lâm đặt ra mục tiêu đưa 2 xã Lộc Ngãi và Lộc Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Lộc An cơ bản đạt bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; 8 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hướng tới xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Trong quý 1 năm 2022, mục tiêu đặt ra là huyện sẽ được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới.

Năm 2009, tỉnh Lâm Đồng được chọn là một trong 11 địa phương của cả nước thực hiện mô hình thí điểm xây dựng xã nông thôn mới (xã Tân Hội, huyện Đức Trọng). Khi đó, Lâm Đồng có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn còn yếu kém và thiếu đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Kinh tế phát triển còn hạn chế nhất định, GRDP bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng, chỉ bằng 88% bình quân cả nước. Hiện toàn tỉnh Lâm Đồng có 101/111 xã đạt chuẩn và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh. Tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới của Lâm Hà và Cát Tiên gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm