Người trồng dâu nuôi tằm thu lãi từ 7 - 8 triệu đồng/1 hộp kén tằm nuôi trong 15 ngày. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN |
15 triệu đồng /ha Đó là giá thuê đất lâm nghiệp trồng cây nông nghiệp ở khu vực giáp ranh xã B’Lá và Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm). Khi chúng tôi đến mảnh đất gần nghĩa địa thôn 3 (xã B’Lá), ba người công nhân đang cặm cụi bón phân, chăm sóc cho cây dâu đã lên được hơn 1 gang tay. Những cây dâu cằn xấu, được một người phụ nữ thay thế trồng cây mới. Qua trao đổi với những người làm công ở khu đất này, chúng tôi được biết, giá thuê đất chỉ 15 triệu đồng cho 1 ha/năm, sau khi thuê đất có thể trồng bất cứ cây gì, trừ cây phạm pháp và cà phê. Theo ghi nhận, khu vực đất được cho là của bà Đ, bà Q thuê đã cắm cọc bê tông, rào chắn kỹ bằng dây thép gai. Khu đất còn có căn nhà cấp 4 nhỏ mà theo 3 người nhân công cho biết đó là nơi “dùng làm chỗ nghỉ trưa cho công nhân”. Một hộ dân ở thôn 3 (xã B’Lá) bức xúc, trước đây những diện tích đất ở khu vực trên bị người dân lấn chiếm trồng chè, cà phê. Sau khi Công ty đến giải tỏa lấy lại đất để trồng rừng nguyên liệu giấy, chỉ thấy họ trồng hoa màu mà người dân không hiểu cây dâu, cây chanh dây có làm được nguyên liệu giấy không. Theo thông tin phóng viên thu thập được, diện tích đất nêu trên thuộc tiểu khu 450 (giáp ranh giữa xã B’Lá và Lộc Quảng) hiện nay thuộc sự quản lý, bảo vệ của Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai). Khi phóng viên đề cập đến hiện tượng đất rừng nguyên liệu giấy được cho thuê để trồng cây nông nghiệp, ông Đoàn Thanh Phong, Trưởng Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Bảo Lâm (Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng) cho rằng: Chưa nắm được thông tin này. Tuy nhiên, ông Phong cũng cho biết, từ tháng 5 năm 2015, phía Tập đoàn Tân Mai đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nương (xã Lộc Phú, Bảo Lâm) để trồng rừng nguyên liệu giấy tại xã Lộc Quảng với 37,79ha (trồng cây keo lai với mật độ 1.666 cây/ha). Dự kiến sau 5 năm sẽ hoàn thành một chu kỳ trồng rừng nguyên liệu và cho thu hoạch. Thế nhưng, đến tháng 10/2018, trên thực tế, nhiều diện tích trồng rừng ở xã Lộc Quảng đều “phủ xanh” dâu tằm, chanh dây, có rất ít cây keo. Biên bản kiểm tra của đoàn liên ngành gồm Hạt Kiểm lâm, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng, Ban quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri và chính quyền địa phương thực hiện hồi đầu tháng 10/2018 cũng nêu rõ, trong tổng diện tích 22,6 ha, kiểm tra thực tế việc trồng rừng của Công ty Đông Nương tại xã Lộc Quảng có 7,59ha đất chưa trồng rừng, nhưng đã trồng dâu, chanh dây. 15,01 ha đất còn lại trồng xen bơ, dâu, sầu riêng… Dọc các tuyến đường trong khu vực diện tích nêu trên còn có biểu hiện tự ý phân lô bằng cọc bê tông, hàng rào và làm nhà tạm, giếng khoan thành từng lô để người lao động ở lại.Hàng trăm ha rừng… biến mất Theo thống kê, tổng diện tích Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nương để trồng rừng tại huyện Bảo Lâm là 253,90 ha. Tuy nhiên, sau 3 năm hợp tác, diện tích đất rừng trồng cây nông nghiệp còn nhiều hơn đất trồng rừng nguyên liệu. Cụ thể, biên bản làm việc giữa Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đông Nương ngày 14/9/2018 ghi rõ, diện tích trồng rừng các năm 2015, 2016, 2018 của Công ty Đông Nương đạt yêu cầu là 85,39ha; diện tích chưa thi công trồng rừng 76,62ha (diện tích rừng bị cháy, lấn chiếm và đã được hai công ty giải tỏa hiện chưa trồng lại rừng); diện tích đất đang canh tác cây nông nghiệp 91,89 ha (do Công ty Đông Nương để người dân lấn chiếm trồng cây nông nghiệp và Công ty này tự trồng dâu).
Hàng loạt rừng của các dự án cho thuê đất rừng ở Đức Trọng bị tàn phá. Ảnh: baolamdong.vn |
Trước thực trạng trên, Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng đã yêu cầu phía Công ty Đông Nương thực hiện giải tỏa cây trồng trái phép của người dân lấn chiếm; tự giải tỏa cây trồng không đúng theo hợp đồng như bơ, cà phê, chanh dây tại tiểu khu 450 (địa bàn xã Lộc Quảng) trong tháng 9/2018 để trồng lại rừng vào mùa mưa 2018, nhưng trên thực tế vẫn chưa được giải tỏa. Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Trương Hoài Minh cho rằng, huyện vẫn chưa nắm được thông tin về việc rừng nguyên liệu giấy của Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai được cho thuê lại để trồng cây nông nghiệp. Tuy vậy, huyện sẽ giao cho Hạt Kiểm lâm phối hợp cùng các địa phương kiểm tra, rà soát lại và có báo cáo cụ thể sau. Theo Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Bảo Lâm, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 672,72 ha rừng thông ba lá (trồng từ năm 2000, 2002, 2003) và một số diện tích rừng keo trồng các năm 2015, 2016, 2017. Hầu hết diện tích rừng nêu trên đều thuộc diện liên doanh, liên kết với Ban Quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri (ngày trước gọi là Ban Quản lý rừng Bảo Lâm, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) trồng rừng nguyên liệu giấy. Từ năm 2007, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đạm Bri đã bàn giao 635,3 ha đất có rừng (538,6ha do Ban Quản lý Đạm Bri trồng từ năm 2002, 2003 và 96,7 ha do Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng thi công trồng rừng) cho Xí nghiệp nguyên liệu giấy Lâm Đồng tự tổ chức chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Nhưng đến tháng 1/2018, hai bên tiến hành kiểm kê rừng, kết quả diện tích rừng trồng chỉ còn lại 463,71ha. Do đó, phần rừng bị thiếu hụt phía công ty có trách nhiệm báo cáo với UBND tỉnh. Khi phóng viên đề cấp về việc “hao hụt” hơn 170ha rừng nguyên liệu giấy tại huyện Bảo Lâm trong những năm qua, ông Đoàn Thanh Phong, Trưởng Ban quản lý rừng nguyên liệu giấy Bảo Lâm (Xí nghiệp Nguyên liệu giấy Lâm Đồng) không giải thích được nguyên nhân.
Nguyễn Dũng