Hiện nay, các tỉnh miền núi phía Bắc đang phải hứng chịu một mùa đông lạnh giá, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia từ ngày 19/2 đến ngày 23/2 Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xảy ra đợt rét đậm, rét hại trên diện rộng, khu vực vùng núi phía Bắc có khả năng cao xảy ra mưa tuyết và băng giá, nhiệt độ thấp nhất các tỉnh vùng núi, trung du từ 4-6 độ C, khu vực núi cao có nơi xấp xỉ 0 độ C. Trên thực tế cho thấy, băng tuyết đã xuất hiện nhiều nơi như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang... Điều đó có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sản xuất của nhân dân; trong đó có chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là việc phòng chống đói rét đối với đàn đại gia súc.
Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, đã nhiều năm nay Yên Bái luôn chủ động tuyên truyền, đồng thời có chính sách hỗ trợ nông dân nhất là nông dân ở các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn trong việc trồng cỏ, dự trữ rơm khô cho trâu, bo trong những mùa đông giá lạnh nên đến nay hầu hết các hộ chăn nuôi ở Yên Bái đã chủ động được thức ăn cho gia súc khi mùa đông giá lạnh đến. Cũng nhờ đố đến thời điểm này mặc dù đã có nhiều đợt rét đậm, rét hại nhưng ở Yên Bái chưa xảy ra tình trạng trâu bò chết deo đói, rét.
Thực tế cho thấy đa số người chăn nuôi ở Yên Bái đã luôn chủ động để phòng chống rét cho trâu, bò mỗi khi giá lạnh tràn về. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu ông Ông Nguyễn Văn Hòe khẳng định: Nhiều năm nay, mỗi khi thu hoạch vụ lúa mùa là các gia đình chăn nuôi gia súc ở huyện vùng cao Trạm Tấu đều chủ động thu gom rơm đánh thành cây dự trữ thức ăn, hay tận dụng các diện tích ven nương đồi, bờ ao, ven đường để trồng cỏ dự trữ thức ăn cho gia súc mỗi khi mùa đông tới. Đặc biệt, hầu hết các gia đình chăn nuôi đã ý thức được việc làm chuồng trại chăn nhốt trâu bò chứ không nuôi thả trên đồi như trước đây nữa.
Cũng như Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải Phạm Tiến Lâm, cho hay: Đến nay, đại đa số các hộ ở Mù Cang Chải đã làm chuồng trại để chăn nuôi gia súc gia cầm, tuy nhiên một số hộ vẫn còn tận dụng lợi thế đồi cỏ để chăn thả gia súc, song trước khi mùa đông đến họ đều đưa trâu bò về nuôi nhốt gần nhà để phòng chống dịch bệnh và chống rét cho đàn gia súc. Điển hình như một số hộ chăn nuôi ở đỉnh núi cao Trống Páo Sang xã La Pán Tẩn đã đưa về nuôi nhốt tại chuồng trước khi mùa đông tới nên khi đợt băng giá xảy ra hôm 20/2 đã không còn trâu bò thả rông trên đó nữa.
Gia đình anh Lý A Thằng, bản Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn có 4 con trâu thường xuyên nuôi thả tại đỉnh Trống Páo Sang, nhưng bước vào mùa đông gia đình đã lùa về chuồng gần nhà đẻ chăm sóc để tránh bị chết rét. anh Thằng cho biết: Nghe theo cán bộ của huyện, xã tuyên truyền nên mỗi khi mùa đông tới các hộ chăn thả gia súc trên đỉnh núi Trống Páo Sang, các hộ đã bảo nhau đưa trâu bò về chuồng gần nhà giữ ấm và cho ăn cỏ, rơm khô, do gia đình dự trữ và bổ sung thêm nước muối ấm để đàn đại gia súc uống vào những ngày giá rét nên cũng yên tâm không sợ lo trâu, bò chết đói, chết rét ở trên đồi như những năm trước nữa.
Cùng với việc tuyên truyền vận động nhân dân dự trữ rơm khô, trồng cỏ chăn nuôi gia súc như Yên Bái, tỉnh Lào Cai còn xây dựng mô hình làm chuồng trại chăn nuôi gia súc tập trung gần nơi trồng cỏ để thuận tiện cho việc chăn nuôi. Ông Châu Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Kim cho biết: Thực hiện chủ trương nhà nước và nhân dân cùng làm của UBND tỉnh Lào Cai với mục tiêu chung la hạn chế có thói quen nuôi nhốt quanh nhà gây mất vệ sinh, khó khăn cho việc vận chuyển tích trữ cỏ voi, thức ăn thô cho gia súc. Xã Quang Kim hỗ trợ người dân kè đất tạo mặt bằng và cung cấp cát, xi măng... xây chuồng trại, người dân đóng góp ngày công. Mỗi ô chuồng gia súc đủ từ 2-3 con trâu, bò, được ngăn thành 2 tầng. Tầng trên để thức ăn, tầng dưới nuôi nhốt gia súc. Chuồng được thiết kế thuận tiện cho việc dọn vệ sinh, đủ ánh sáng nhưng vẫn kín đáo ấm áp trong mùa đông. Chất thải gia súc được các gia đình ủ hoai để làm phân bón cho ruộng trồng gần đó. Việc thiết kế xây dựng thống nhất về kích cỡ, hình dáng vừa đảm bảo mỹ quan trên đường vào làng, vừa thuận tiện cho cán bộ thú y và khuyến nông theo dõi, chăm sóc sức khỏe đàn gia súc.
Còn ông Lù Văn Tải một hộ chăn nuôi ở thôn Làng Kim, xã Quang vừa cắt đám cỏ voi ngay sau chuồng gia súc nhà mình chia sẻ: "Từ khi xây dãy chuồng này tôi vừa đỡ công chở cỏ về tận nhà, gia đình vừa tránh được mùi hôi của phân ở chuồng trại do trâu bò thải ra nên mọi ngươi trong gia đình rất phấn khởi.
Ngoài ra, ở Lào Cai còn xây dựng mô hình "Một chuồng nuôi nhốt, một kho rơm" đã và đang được thực hiện phổ biến tại các huyện trong những năm gần đây và cho thấy phòng chống đói, rét cho đàn gia súc đã đem lại hiệu quả cao.
Còn tỉnh Hà Giang, ngoài việc tuyên truyền vận động nhân dân chủ động phong chống rét cho gia súc, gia cầm tỉnh đã chỉ đạo các địa phương yêu cầu từng cán bộ phụ trách thôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống rét cho gia súc. Những ngày qua, không ngại thời tiết khắc nghiệt, các cán bộ khuyến nông xã đã đến từng hộ chăn nuôi tuyên truyền cách phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Đồng thời phát bạt cho hộ chăn nuôi, “xắn tay áo” cùng các hộ che chắn chuồng trại để phòng, chống rét cho đàn trâu, bò.
Bà Thào Thị Khía, dân tộc Mông, thôn Ma Sào Phố, xã Nghĩa Thuận huyện Quản Bạ (Hà Giang) phấn khởi: Nhà bà chỉ có 2 người già yếu nên không thể quây bạt và chăm sóc tốt cho đàn bò được. Mùa đông năm nay, cán bộ xã đến tận nhà phát bạt, kêu gọi mọi người giúp nhà bà quây bạt chuồng trại để che chắn cho đàn bò khỏi bị rét và hướng dẫn cách chăm sóc đàn bò trong mùa Đông. Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền xã, bà con trong thôn mà đàn bò nhà bà vẫn khỏe mạnh trong mùa Đông này.
Theo báo cáo của các tỉnh nói trên, đến thời điểm này mặc dù nhiệt độ đã xuống dưới 9 độ C, nhiều nơi vùng núi cao nhiệt độ đã xuống tới 1-2 độ C, song tại các tỉnh nay vẫn chưa xảy ra tình trạng trâu bò bọ chết đói, chết rét. Hiện các tỉnh đã chỉ đạo các địa phương trực tiếp của cán bộ về cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chăm sóc, phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn đại gia súc nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân trước diễn biến bất thường của thời tiết.
Đức Tưởng