Tuyên Quang đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ, phòng chống đói, rét cho vật nuôi

Tuyên Quang đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ, phòng chống đói, rét cho vật nuôi

Để chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc khi mùa đông tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp che chắn chuồng nuôi, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn vật nuôi, hạn chế xảy ra thiệt hại.

Tuyên Quang đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ, phòng chống đói, rét cho vật nuôi  ảnh 1Cán bộ thôn Lũng Vài, xã Côn Lôn , huyện Na Hang hướng dẫn bà con trong thôn phòng chống rét cho đàn trâu, bò. Ảnh: baotuyenquang.com.vn

Mùa đông năm nay gia đình ông Lý Văn Sài, thôn Khuổi Phầy, xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động sửa chữa chuồng nuôi, chuẩn bị rơm, rạ, trồng thêm cỏ voi làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò của gia đình. Ông Sài cũng đã tiêm vắc xin phòng chống bệnh, tật cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cán bộ thú y để đảm bảo sức khỏe cho đàn vật nuôi khi mùa đông đến.

Ông Lý Văn Sài cho biết, gia đình ông hiện đang nuôi 24 con trâu, ông đã mua bạt, nilon quây kín chuồng tránh gió lùa. Nhà ông trồng hơn 2.000 m2 cỏ voi, dự trữ đủ rơm để làm thức ăn cho trâu nên đàn trâu phát triển khỏe mạnh. Khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ, tuyệt đối không thả rông vật nuôi ngoài trời, đồng thời chuẩn bị thức ăn dự trữ cho gia súc khi có rét đậm, rét hại kéo dài. Mỗi khi nhiệt độ xuống quá thấp có thể đốt lửa để sưởi ấm cho trâu, bò.

Xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang có độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, nhiệt độ ở đây xuống rất thấp trong mùa đông. Hiện nay, tổng đàn gia súc toàn xã có 770 con; trong đó trâu 608 con, bò 162 con. Ngay từ đầu mùa đông, UBND xã đã triển khai kế hoạch chỉ đạo các thôn, bản tuyên truyền cho người dân nắm rõ tình hình diễn biến thời tiết, từ đó chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Ngoài tích trữ rơm rạ và thức ăn tươi như cỏ, ngô, bà con còn được hướng dẫn cách bổ sung cám gạo, bột ngô, chuối, nước ấm, nước muối để tăng sức đề kháng cho đàn gia súc.

Ông Đặng Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, huyện Na Hang cho biết, để đảm bảo đủ nguồn thức ăn và phòng chống đói rét cho đàn gia súc của địa phương trong mùa đông, UBND xã Hồng Thái đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi bảo vệ, chăm sóc tốt diện tích cỏ hiện có, dự trữ các loại thức ăn thô, xanh như cỏ, lá ngô, rơm khô làm thức ăn cho đàn gia súc…

Xã cũng đã cử cán bộ thú y trực tiếp xuống thôn, bản hướng dẫn cho bà con những phương pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra trên đàn vật nuôi khi nhiệt độ xuống thấp. Những năm gần đây trên địa bàn xã không có hiện tượng trâu, bò bị chết rét trong mùa đông.

Để chủ động phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi trong mùa đông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo hệ thống thú y, khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân chăn nuôi trên địa bàn xây dựng chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ, có chất độn chuồng sạch; đảm bảo số hộ chăn nuôi trâu, bò có dự trữ đủ thức ăn thô xanh để ủ chua thức ăn cho trâu, bò, đặc biệt là các mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo theo chuỗi liên kết.

Các hộ chăn nuôi phải có chuồng trại quản lý trâu, bò ở trong mùa đông. Thực hiện nuôi nhốt trâu, bò tại chuồng khi nhiệt độ giảm xuống dưới 12 độ C; duy trì phát triển tốt đàn trâu, bò được hỗ trợ từ các nguồn chính sách của tỉnh và các tổ chức hỗ trợ đầu tư cho phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tuyên Quang cho biết đơn vị đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và triển khai phương án phòng chống đói rét, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn toàn tỉnh.

Cán bộ của Chi cục tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện bệnh sớm, nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh tại địa bàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, rà soát kết quả tiêm phòng gia súc, tổ chức tiêm phòng bổ sung đảm bảo 100% số gia súc, gia cầm trong diện tiêm phòng bắt buộc được tiêm phòng các loại vắc-xin theo quy định; thực hiện nghiêm kiểm dịch vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo đúng theo quy định.

Đồng thời, tổ chức lấy mẫu kiểm tra khi nghi ngờ có dịch bệnh phát sinh mà chưa xác định chính xác. Nếu phát hiện có gia súc, gia cầm nghi bị nhiễm bệnh phải áp dụng các biện pháp chống dịch khẩn cấp nhằm bao vây, khống chế và dập dịch không để lây lan rộng.

Quang Cường

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm