Thành phố Hội An (Quảng Nam) là địa chỉ hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Đi vào những khu phố cổ nơi đây, du khách như tưởng mình đang sống ở thế kỷ XVII, XVIII bởi nét cổ kính, rêu phong nhuốm màu thời gian, từ những ngôi nhà, món ăn, dãy phố… Nhưng du khách đều rất tiếc nuối bởi sự xuống cấp, hư hỏng do thời gian, do ngoại lực lên các di tích nơi đây.
Di tích Chùa Cầu xuống cấp nghiêm trọng
Đến với Hội An, du khách không thể không đến với Chùa Cầu (di tích Lai Viễn Cầu), một trong những biểu tượng hấp dẫn và độc đáo nhất của Hội An. Công trình được xây dựng vào thế kỷ XVII, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1990. Những năm gần đây, khi đến với di tích Chùa Cầu, mọi người không thể không xót xa trước sự xuống cấp nghiêm trọng của di tích từ hệ thống móng, mố, trụ bên dưới đến hệ dầm, sàn, cột, giằng, vì kèo… Đặc biệt, trong đó hệ thống chịu lực quan trọng nhất của di tích gồm móng, mố, trụ đã có dấu hiệu nguy hiểm.
Đảm bảo an toàn cho du khách khi đến tham quan và bảo vệ di tích, thành phố Hội An đã tạm thời dựng thêm hệ thống khung, kèo gỗ để chằng chống lại di tích Chùa Cầu.
Ông Phạm Việt Tâm, Trưởng phòng Tu bổ di tích, Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết: Thành phố đã có đề án nâng cấp, tu bổ lại Chùa Cầu, đang chờ Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Nếu được tỉnh đồng ý, năm 2021 thành phố Hội An sẽ tiến hành nâng cấp, tu bổ di tích Chùa Cầu.
Dự kiến, công tác tu bổ, nâng cấp sẽ được hoàn thành sau 1-2 năm. Theo đề án, đối với phần kết cấu bên trên, thành phố sẽ cho thay mới những kết cấu đã bị mục, nứt không còn khả năng chịu lực, việc thay thế sẽ được tiến hành từng phần. Những kết cấu bị nứt, nhưng vẫn còn khả năng chịu lực sẽ được sử dụng các loại keo hoặc dung dịch dán gỗ để bơm vào các khe nứt, sau đó sẽ trám các vết nứt và sơn với chất liệu và màu sắc phù hợp với kết cấu nguyên bản.
Quá trình trùng tu di tích đảm bảo theo nguyên tắc: An toàn và ổn định cho kết cấu của di tích và bảo tồn nguyên bản các kết cấu còn lại, không làm dịch chuyển quá mức và ảnh hưởng đến các kết cấu khác. Việc sơn phủ kết cấu mới thay thế với chất liệu, hình dạng, kích thước và màu sắc phải phù hợp với kết cấu nguyên bản, đặc biệt là vật liệu thay thế phải có độ bền và tuổi thọ cao. Phần kết cấu bên dưới của di tích sẽ được thành phố Hội An tạm thời bơm vữa bịt, trám các vết nứt trên thân mố, và mũ mố, cắt bỏ các dầm thép hỏng, sửa chữa các hư hỏng và xây trám các mũ mố, các vị trí đỡ dầm chịu lực…
Về lâu dài, ngoài việc xử lý tạm thời, thành phố Hội An sẽ xây dựng thêm tường chịu lực sau lưng mố kết hợp với bản giảm tải. Đối với phần trụ, thành phố sẽ tiến hành bơm keo hoặc vữa vào các vết nứt trên thân trụ và mũ trụ, cắt bỏ các dầm thép hỏng và sửa chữa các hư hỏng, xây trám lại mũ trụ, các vị trí đỡ dầm chịu lực… Đối với phần móng, sẽ tiến hành chống đỡ tăng cường ổn định cho trụ, sau đó sẽ nạo vét và xói rửa từng hệ thống một, sử dụng máy chuyên dụng bơm vữa xuống đáy móng để tăng cường và mở rộng hệ móng...
Nhiều di tích cần sớm được đầu tư nâng cấp
Bên cạnh sự xuống cấp của Chùa Cầu, sau hàng trăm năm xây dựng và sử dụng, chịu nhiều sự tác động của thời gian và ngoại cảnh, nhiều di tích tại thành phố Hội An cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, cần sớm được đầu tư nâng cấp.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý, bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hiện nay có 34 di tích xuống cấp: Hệ thống cột, kèo, đòn tay, kèo bị hư hỏng, mối mọt xâm hại rất nặng, hở mộng, một số vị trí máng đỡ bị nứt, mái ngói âm dương bị dột, xuống cấp… Trong đó, 9 di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, 17 di tích xuống cấp nặng và 8 di tích xuống cấp nhẹ. Cụ thể, 7 di tích nằm trên trục đường Trần Phú, 6 di tích nằm trên trục đường Nguyễn Thái Học, 3 di tích nằm trên trục đường Bạch Đằng, 4 di tích nằm trên trục đường Phan Châu Trinh, 2 di tích nằm trên trục đường Nguyễn Huệ, 2 di tích nằm trên trục đường Tiểu La, 2 di tích nằm trên trục đường Hai Bà Trưng, 2 di tích nằm trên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai, 2 di tích nằm trên trục đường Phan Bội Châu. Các trục đường Hoàng Văn Thụ, Lê Lợi, Trần Quý Cáp, Nguyễn Huy Hiệu, mỗi trục đường đều có 1 di tích. Trong đó, 25 di tích được đề xuất chủ di tích thực hiện chống đỡ; còn 9 di tích do xuống cấp quá nặng không còn khả năng phục hồi, tu bổ có khả năng bị sụp đổ nên được đề xuất hạ giải.
Được biết, hầu hết các di tích không còn khả năng tu bổ, nâng cấp hiện nay đều không có người sinh sống. Số di tích còn lại được các chủ hộ tu sửa bằng cách lợp lại ngói hoặc căng bạt dưới mái để chống dột, lắp thêm cột, kèo, đòn tay… để chống sập đổ, trông rất nhếch nhác và phản cảm.
Đối với những di tích xuống cấp mà hiện nay được các hộ dân quản lý, thành phố hội An đã có chủ trương, nếu các hộ dân có yêu cầu sẽ được trùng tu theo thể thức: 6/4 hoặc 7/3 (nhà nước hỗ trợ 60% hoặc 70%, còn lại là do các hộ dân đầu tư kinh phí).
Bà Ngô Thị Xin (sinh năm 1936) ở di tích 68 trên trục đường Trần Phú cho biết: "Tôi mong Nhà nước sớm có chủ trương, chính sách để nâng cấp, tu bổ các di tích ở Hội An, bởi các hộ dân không thể một lúc bỏ ra một số tiền lớn để nâng cấp, sửa chữa được. Nếu để như thế này, người dân ở rất khổ sở, không an toàn và không bảo vệ, bảo tồn được di tích".
Trịnh Bang Nhiệm