Nằm ở khu vực hạ lưu của các dòng sông lớn, trong những trận mưa lũ vừa qua, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam như một túi nước khổng lồ. Để chung sống với lũ và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, xã Duy Thành đã thực hiện nhiều giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra một cách hiệu quả, được cộng đồng tích cực hưởng ứng. Một trong những giải pháp đó là vận động người dân xây nhà có gác trên cao để làm chỗ trú ẩn an toàn, làm nơi tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ dùng dài ngày trong mùa mưa lũ.
Thôn Văn Quật là vùng trũng thấp nhất của xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; được bao bọc bởi nhiều con sông lớn. Vào mùa mưa lũ, thôn Văn Quật thường xuyên bị ngập sâu và chia cắt với bên ngoài. Thế nhưng nhiều năm nay, nhờ ngôi nhà được cải tạo lại, có phần gác lửng ở trên cao nên mặc dù ở rốn lũ của thôn Văn Quật, gia đình bà Lê Thị Thanh Thúy vẫn bình an vô sự. Phần gác lửng ở phía trên cao không chỉ là nơi trú ngụ an toàn mà còn là nơi cất trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu đủ dùng cho cả gia đình trong nhiều ngày thôn xóm bị nước lũ bao vây, cô lập với bên ngoài.
Bà Lê Thị Thanh Thúy chia sẻ: Trước đây khi chưa làm được gác lửng, mỗi mùa lụt thì rất khổ vì thường xuyên bì bõm với nước lụt dưới nền nhà. Bây giờ làm được gác trên cao thì an toàn hơn nhiều. Lúa, gạo và thức ăn, nước uống đều đưa lên gác để dùng nhiều ngày trong mùa mưa lũ. Vì ở vùng trũng thấp nên mỗi khi có mưa lũ là nước sông Li Li và sông Bà Rén lên rất nhanh, nhà nào ở vùng trũng thấp này cũng bị ngập nước. Vì vậy ở đây nhà nào cũng có gác lửng để làm nơi ở và tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Không chỉ ở gần cuối nguồn sông Thu Bồn, xã Duy Thành còn là khu vực hợp lưu của 2 con sông Li Li và sông Bà Rén. Toàn xã có 2003 hộ gia đình. Khi lũ các sông Thu Bồn, sông Li Li, sông Bà Rén lên đến mức báo động cấp 2, cấp 3, hơn 2/3 hộ gia đình bị nước lũ tràn vào nhà, phần lớn các thôn trong xã đều bị cô lập với bên ngoài.
Để chung sống với lũ, hầu hết các hộ, nhất là các hộ ở vùng trũng thấp, khu vực gần bờ sông đều làm nhà có phần gác trên cao. Nhà khá giả thì làm nhà có gác kiên cố bằng bê tông cốt thép, nhà chưa có điều kiện thì sử dụng tre, gỗ, phên, líp gác lên để làm nơi ở an toàn, nhất là cho người già, trẻ em và làm nơi tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu trong mùa mưa lũ.
Ông Lê Tấn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết: Cùng với phương châm "4 tại chỗ" được thực hiện một cách nghiêm túc, quan tâm nhất của chính quyền địa phương hiện nay là cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, các chương trình hỗ trợ người dân làm nhà kiên cố của Chính phủ và của tỉnh, vận động bà con làm nhà đảm bảo các tiêu chí an toàn trong việc tránh lũ tránh bão, nhà nào cũng có gác để ở trong mùa mưa lũ. Với những hộ thuộc diện khó khăn về nhà ở, hộ gia đình chính sách, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, địa phương thường xuyên vận động bà con giúp đỡ lẫn nhau về ngày công lao động, hỗ trợ bằng vật liệu tại chỗ để làm nhà ở an toàn. Nhờ vậy đến nay trên địa bàn toàn xã đã xóa hết nhà ở tạm, hầu hết nhà ở vùng trũng thấp đều có phần gác trên cao, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Ông Trần Huy Tường, Thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên khẳng định: Nhà tránh lũ trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả mỗi khi nước lũ ở các con sông lên cao trong những đợt mưa lũ lớn vừa qua. Nhà có gác trên cao là một trong những giải pháp tốt để người dân giảm thiểu thiệt hại, tránh rủi ro, trước hết là về người và tài sản. Phần lớn diện tích huyện Duy Xuyên nằm trong vùng hạ lưu của hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn nên thường xuyên bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân nhân rộng mô hình làm nhà vượt lũ, nhà có gác trên cao, nhất là ở những vùng trũng thấp, vùng cư dân ven các con sông.
Mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp, kéo dài và có xu hướng ngày càng dữ dội hơn. Theo dự báo, vùng hạ lưu các con sông lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói chung và xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên nói riêng vẫn còn tiếp tục hứng chịu những trận ngập sâu trong những ngày tới. Tuy nhiên nhờ có nhà tránh lũ an toàn, người dân ở vùng rốn lũ yên tâm và giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đoàn Hữu Trung