Những căn nhà sàn hiện đại, khang trang, vững chắc được dựng lên bằng các cột, xà bê tông đang dần thay thế những căn nhà được làm bằng gỗ là thực tế khá phố biển hiện nay ở nhiều bản làng tại Nghệ An. Cách làm này vừa tiết kiệm được chi phí xây dựng cho người dân cũng như hạn chế tình trạng phá rừng. Ảnh: kienviet.net |
Sinh sống ở dọc con sông Nậm Tôn đã 30 năm, mỗi mùa lũ về cuốn trôi biết bao của cải, công sức của gia đình ông Trương Minh Phương ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang. Ông Phương luôn trăn trở làm thế nào để thích nghi vì lũ ở miền núi khác miền xuôi là lên rất nhanh nhưng rút cũng rất nhanh. Ngập 2 đến 3m nhưng trong vòng khoảng từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ lại rút, thế nên nếu không di chuyển nhanh, người, tài sản sẽ bị lũ cuốn trôi. Nghĩ là làm, từ nguồn tích cóp của gia đình, ông Phương nảy ra ý tưởng xây ngôi nhà vượt lũ. “Khi mới ra đây ở, năm nào nước lụt cũng vào nhà, của cải, gia súc, gia cầm, quần áo chăn màn trôi hết không còn gì cả. Qua một thời gian không có chỗ ở buộc phải ở lại đây, cha con bàn bạc nhau làm nhà gác để tránh lũ. Sau khi gia đình tôi làm, một số hộ xung quanh cũng làm theo", ông Trương Minh Phương cho biết. Học tập mô hình của gia đình ông Phương, gia đình chị Sầm Thị Hồng Trang, bản Yên Luốm cũng hoàn thiện ngôi nhà vượt lũ trước mùa mưa lũ năm 2018. Ngôi nhà ngang được tôn lên 2 tầng có diện tích sử dụng khoảng 30m2, có một cầu thang thông lên với ngôi nhà chính. Khi lũ lên, việc di chuyển người, đồ đạc, vật nuôi sẽ thuận tiện hơn. Rút kinh nghiệm từ các hộ làm trước, ngôi nhà của gia đình chị Trang cao hơn các nhà khác khoảng 1m, nếu đạt đỉnh lũ vẫn an toàn. “Trước đây, lũ ngập lên trên nhà hơn 1m nước. Mùa lũ năm ngoái, gia đình di chuyển đồ đạc và cả gia đình vào nhà vượt lũ nên rất an toàn”, chị Trang cho biết. Hiện tại, trong số gần 30 hộ ở cụm dân cư bản Yên Luốm thường xuyên bị ngập lụt đã có 8 hộ làm được nhà vượt lũ. Mỗi ngôi nhà sàn 2 tầng có diện tích sử dụng khoảng từ 30-40 m2, trị giá khoảng 50 triệu đồng, khá phù hợp với các hộ dân nơi đây. Cùng với 8 hộ đã làm được nhà vượt lũ, có 2 nhà ở đầu bản cao hơn không bị ngập lụt thường xuyên đã hỗ trợ cho các gia đình khác lân cận cùng gửi đồ đạc cũng như tránh trú khi "lũ rừng" dâng. Ông Lương Văn Tiến, bản Yên Luốm chia sẻ: "Nhà tôi cao hơn mọi nhà khác, thế nên khi trận lũ lớn đổ về, tôi sẵn sàng mở cửa giúp đỡ mọi gia đình trong bản đưa vật dụng thiết yếu lên đây gửi, cùng với đó là tạo điều kiện nơi ăn, ở cho hàng xóm khi gặp nạn”. Gần 30 mùa lũ qua, tình người của người dân nơi đây đã giúp cho họ chưa bị thiệt hại về người, còn về tài sản ngày càng được hạn chế dần. Đó chính là nhờ vào sự cảnh giác cũng như tư tưởng, nhận thức không trông chờ ỷ lại vào nhà nước mà họ sáng tạo cách làm hay đó là học nhau cùng làm nhà vượt lũ để "sống chung với lũ" an toàn. Ông Võ Xuân Thanh, quyền Chủ tịch UBND xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp cho biết: "Xã Châu Quang có 6 xóm, bản nằm dọc theo sông Nậm Tôn, đặc biệt bản Yên Luốm có hơn 30 hộ nằm dọc bãi sông, hàng năm mỗi khi mùa mưa lụt là điểm huyện Quỳ Hợp cũng như xã Châu Quang tập trung lo nhất. Để thích nghi với điều kiện đó, các hộ dân bằng nguồn vốn của gia đình họ đã xây các nhà sàn bê tông kiên cố khắc phục các đợt mưa lụt, tránh thiệt hại về người và tài sản. Chính quyền địa phương đã và đang vận động các hộ dân còn lại trong bản thực hiện mô hình này". Mô hình nhà vượt lũ của các hộ dân ở bản Yên Luốm, xã Châu Quang thực sự phát huy hiệu quả, phù hợp với người dân miền núi. Từ mô hình nhà vượt lũ của bản Yên Luốm, UBND huyện Quỳ Hợp khuyến khích các xã, bản trên địa bàn huyện thường xuyên bị ngập lụt, học tập, làm theo và nhân rộng.
Bích Huệ