Một hai ngày trở lại đây, khi mưa đã bớt nặng hạt, nắng cũng đã hửng lên, nếu có dịp đi qua tỉnh Quảng Nam sẽ tận mắt thấy sự tàn phá khắc nghiệt của thiên tai trên mảnh đất này sau những ngày mưa lũ vừa qua.
Hầu hết tất cả địa bàn 18 huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Quảng Nam đều bị thiệt hại do mưa lũ. Dù ngay khi nước bắt đầu rút, chính quyền các địa phương cùng với các sở, ban ngành, hội, đoàn thể huy động mọi lực lượng tiến hành khắc phục thiệt hại nhưng hậu quả vẫn còn hiện hữu ở khắp nơi. Đặc biệt, tại các khu vực bị thiệt hại nặng như Tây Giang, Núi Thành, Đại Lộc… sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai vẫn còn hiển hiện trên các công trình công cộng bị hư hỏng chưa kịp sửa chữa, trên từng vật dụng, ruộng vườn, nhà ở của người dân.
Tại huyện Đại Lộc - vùng “rốn lũ” của tỉnh, hầu hết các tuyến đường giao thông đều hư hỏng và ngập trong bùn non. Nhiều điểm đường bị sạt lở rộng gần 2m, kéo dài đến hàng chục mét, nhiều điểm bị nước khoét sâu dưới lòng đường đến cả mét, rất nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông. Nhiều cầu, cống, ngầm trên địa bàn huyện bị nước xoáy gãy, sập, bèo và rác còn bám đầy trên lan can cầu. Các ruộng lúa vẫn đang ngập nước, nhiều diện tích ngô, sắn đang héo rũ, bám đầy bùn đỏ trên lá vì bị ngâm trong nước dài ngày. Hầu hết nhà ở của các hộ dân nơi đây đều ngập nước và bị thiệt hại, vết nước ngập còn in hằn trên tường nhà lên đến gần 2 m.
Tại huyện Núi Thành, địa phương xảy ra vụ lật tàu khi đang neo đậu trên cửa sông Trường Giang, thuộc địa bàn xã Tam Hải khiến 2 cha con ông Nguyễn Diệp (sinh năm 1967) và Nguyễn Phúc (sinh năm 1997) bị mất tích, hiện lực lượng Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà đang phối hợp với chính quyền các cấp khẩn trương triển khai trục vớt con tàu và tìm kiếm 2 cha con ông Nguyễn Diệp.
Vào ngày 13/10, khi đi kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn các địa phương trong tỉnh, ông Hồ Quảng Bửu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã thăm hỏi, động viên các lực lượng cứu nạn, cứu hộ, đồng thời nhấn mạnh: Con người là quan trọng, giải pháp đầu tiên cần làm là vừa cẩu tàu lên vừa cho nghiêng tàu để lực lượng thợ lặn vào tàu tìm kiếm người bị nạn, rồi mới tiến hành trục vớt tàu. Được biết, hiện nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà đã huy động 14 cán bộ, chiến sỹ phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng đoàn viên thanh niên, ngư dân, dân quân tự vệ khẩn trương sử dụng 2 sà lan và 1 cần cẩu để trục vớt tàu và người bị nạn lên bờ.
Từ ngày 6/10 đến 12/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến rất to, bình quân từ trên 260 mm đến hơn 570 mm. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 4 người chết và 2 người mất tích, 213 nhà ở bị thiệt hại từ 30% - 70%, 185 nhà bị thiệt hại dưới 30% và 15.034 nhà bị ngập; 30 điểm trường bị ngập lụt, sạt lở; 1.224 ha rau màu, 30 ha cây trồng lâu năm, 21 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại hoàn toàn, 20 cây xanh bị ngã đổ, 9.293 con gia cầm và 13 con gia súc bị chết; 7.245 m kênh mương bị sạt lở, 10.150 m3 đất bồi lấp, 1.500 m bờ sông và 3.500 m bờ biển bị sạt lở. Tuyến đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh có 68 điểm bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng khoảng 53.000 m3; trên tuyến đường địa phương có 161 m đường bị sạt lở, hư hỏng, 121 điểm bị sạt lở, hư hỏng với khối lượng khoảng 33.000 m3.
Để sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân ổn định cuộc sống, sản xuất, chính quyền các địa phươngcủa tỉnh Quảng Nam tổ chức đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu và nước uống cho các gia đình bị thiệt hại, gia đình chính sách; huy động các lực lượng khẩn trương thu dọn cây ngã đổ và rác trên đường, vệ sinh môi trường, đảm bảo giao thông đi lại. Công ty Điện lực Quảng Nam huy động lực lượng phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương khắc phục hệ thống điện, phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân…
Trịnh Bang Nhiệm