Người trồng luồng, vầu ở huyện Quan Sơn khó khăn khi giá xuống

Người trồng luồng, vầu ở huyện Quan Sơn khó khăn khi giá xuống

Thời gian qua, người dân huyện biên giới Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đang gặp khó khăn do giá bán cây luồng, cây vầu và các sản phẩm nan thanh, tăm, đũa xuống thấp. Nguyên nhân, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất lâm sản phải tạm dừng sản xuất.

Người trồng luồng, vầu ở huyện Quan Sơn khó khăn khi giá xuống ảnh 1Giá bán luồng, vầu và các sản phẩm tăm tre xuống thấp làm người dân gặp khó khăn. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Xã Tam Lư có 690 hộ dân đều làm nghề trồng luồng, vầu, toàn xã hiện có 12 cơ sở sản xuất và kinh doanh các sản phẩm lâm sản, vầu. Trước đây, cây luồng được thương lái thu mua khoảng 10.000 đồng/10 kg, thế nhưng nay chỉ còn 7.000-8.000 đồng/10 kg. Cây vầu giá thu mua giảm từ 230.000 đồng xuống còn 180.000 đồng/100 kg.

Bên cạnh đó, sản phẩn nan thanh được sơ chế từ cây vầu trước đây được các doanh nghiệp thu mua giá 270.000 đồng/100 kg, thì hiện nay chỉ còn thu mua với giá 170.000 đồng/100 kg. Các sản phẩm khác như tăm tre, đũa giá cũng xuống thấp

Chị Hà Thị Nhung, chủ cơ sở thu mua, sản xuất, kinh doanh lâm sản tại bản Hát, xã Tam Lư cho hay: Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp, công ty trên cả nước đã giảm nhập hàng lâm sản từ cơ sở của chị. Trước đây, mỗi tháng gia đình chị thu nhập 40 triệu đồng nhờ bán được 5 xe hàng lâm sản, nhưng đến nay chỉ bán được 2 xe hàng, thu nhập còn 20 triệu đồng/tháng.

Người trồng luồng, vầu ở huyện Quan Sơn khó khăn khi giá xuống ảnh 2Giá bán luồng, vầu và các sản phẩm tăm tre xuống thấp làm người dân gặp khó khăn. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Bên cạnh đó, do giá xuất bán cũng giảm nhiều nên gia đình chỉ thu mua cây vầu lớn tại xưởng với giá 180.000 đồng/100kg. Chị Nhung mong chính quyền sớm có giải pháp tìm đầu ra giúp người dân.

Bà Hà Thị Quynh, bản Hát, xã Tam Lư cho biết: Gia đình có trồng 2 ha cây luồng, trước đây với diện tích này bà có đủ nguồn thu nhập, đảm bảo đời sống. Tuy nhiên, năm nay diện tích trồng luồng của bà Quynh không thể bán do thương lái trả giá thấp. Để có tiền lo cho gia đình, bà Quynh đã đi trẻ nan thanh thuê cho một cơ sở sản xuất lâm sản trên địa bàn xã với tiền công 80.000 đồng/ngày, đời sống đang gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Vi Văn Thạch, Chủ tịch UBND xã Tam Lư: Do đại dịch COVID-19, các loại cây trồng lâm sản như luồng, vầu và các loại sản phẩm như nan, tăm tre, đũa bị xuống giá đồng loạt, các cơ sở kinh doanh ngoài Hà Nội không về mua. UBND xã cũng đã có kiến nghị với cấp trên, đặt biệt là đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho nhân dân.

Tại các xã Tam Thanh, Na Mèo… cũng đang gặp khó trong việc tìm đầu ra lâm sản do dịch bệnh COVID-19 phức tạp. Do đó, để hỗ trợ tìm đầu ra sản phẩm cho người dân, UBND huyện Quan Sơn đã khuyến khích các hộ dân trồng lâm sản khai thác để các nhà máy trên địa bàn thu mua, đồng thời kêu gọi đầu tư, xây dựng thêm các nhà máy lâm sản tại địa phương.

Ông Trương Trọng Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: Huyện đã có cơ chế khuyến khích, kêu gọi đầu tư 3 nhà máy sản xuất lâm sản gồm Nhà máy Ngọc Sơn, Nhà máy Hoàng Hiệp và Nhà máy lâm sản Quan Sơn. Đồng thời, huyện Quan Sơn cũng sẽ hỗ trợ mặt thủ tục để các nhà máy đi vào hoạt động, thu mua lâm sản và nâng thu nhập cho người dân.

Tại huyện miền núi khác như Quan Hóa, người dân cũng đang khó do giá cây luồng, vầu xuống thấp, người dân rất mong nhà nước có chính sách hộ trợ tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm