Anh Nguyễn Văn Vĩnh ở thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được người dân trong thôn gọi là “tỷ phú” trồng cam.
Nhờ sự kiên trì, ham học hỏi với nghề trồng cây ăn quả, sau 4 năm áp dụng phương pháp trồng cam ghép trên gốc bưởi, anh không chỉ giúp gia đình trở nên giàu có, mà còn khiến cả vùng trồng cam, trồng bưởi của thôn Cây Nhãn dần trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã Tứ Quận.
Trước đây, gia đình anh Vĩnh đã trồng trên 1.000 gốc bưởi đặc sản các loại. Nhận thấy năng suất và hiệu quả kinh tế của cây bưởi không ổn định, anh quyết tâm đi đến những vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng như Hòa Bình, Phú Thọ để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2016, anh Vĩnh áp dụng phương pháp ghép cam trên 200 gốc bưởi đầu tiên, sau 2 năm, thành quả thu được ngoài mong đợi nên anh quyết định chặt hết toàn bộ bưởi để ghép cho cây cam.
Hiện nay, vườn cam của anh Vĩnh rộng khoảng 4 ha với gần 2.800 gốc, trong đó có 1,5 ha cây cam ghép trên gốc bưởi, quả cam trên cây ghép khi thu hoạch vừa cho sản lượng cao mà chất lượng cũng như mẫu mã còn đẹp hơn.
Giống cam ghép trên thân bưởi được anh Vĩnh lựa chọn là cam canh và cam Vinh. Cây cam ghép dễ trồng, giảm thiểu được chi phí, công chăm sóc. Vụ cam vừa qua, gia đình thu hoạch gần 100 tấn, thu lãi 1,6 tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng 1,5 ha cam ghép đã thu hoạch trên 60 tấn quả.
Theo anh Vĩnh, để ghép cam trên gốc bưởi đạt kết quả tốt và mang lại hiệu quả cũng như năng suất cao, gốc bưởi phải là gốc đã cho quả, cây ghép khi lên mầm cần tỉa bỏ mầm yếu, để 2 đến 3 mầm trụ khỏe nhất, sau khi ghép nhánh cam khoảng 2 năm cây sẽ bắt đầu cho quả.
Gia đình anh Tạ Văn Vượng cũng như nhiều hộ dân trong thôn Cây Nhãn đã nhìn ra hiệu quả từ phương pháp này và làm theo, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Anh Vượng chia sẻ, nhờ học hỏi được kinh nghiệm từ mô hình của anh Vĩnh, gia đình cũng đã áp dụng phương pháp trồng ghép cho 400 trong số hơn 1.000 gốc cam. Vụ cam vừa qua, sản lượng đã hơn nhiều so với vụ trước, mẫu mã và chất lượng cam được nâng cao, đầu ra ổn định, thu nhập được cải thiện đáng kể. Nếu duy trì được năng suất như hiện nay, gia đình anh cũng sẽ ghép gốc cho toàn bộ vườn bưởi.
Ông Tạ Văn Quang, Trưởng thôn Cây Nhãn cho biết, phát huy hiệu quả từ mô hình trồng cam ghép trên gốc bưởi của gia đình anh Vĩnh, hiện nhiều gia đình trong thôn đã bắt đầu áp dụng theo. Với hơn 40 ha đất trồng cây ăn quả của thôn, dù mới được thử nghiệm trên khoảng 20ha nhưng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Người dân trong thôn đều nhìn nhận đây là phương pháp canh tác mang lại hiệu quả cao cả về năng suất và chất lượng.
Không chỉ đi đầu áp dụng phương thức trồng cam đem lại hiệu quả cao, anh Vĩnh cũng áp dụng mô hình tưới tiết kiệm để tận dụng tối đa nguồn nước tưới trên địa hình đồi núi, giúp giảm thiểu chi phí và công lao động. Vườn cam được trồng theo kiểu mỗi cây cách nhau từ 6-9 mét giúp vườn cam luôn thông thoáng, thuận lợi cho cây phát triển. Thời kỳ thu hoạch (khoảng tháng 9 đến tháng 12), nhờ có vườn cam, anh cũng tạo thêm việc làm cho khoảng 15-20 nhân công thời vụ trong thôn, góp phần chia sẻ bài toán thoát nghèo của địa phương.
Ông Hà Xuân Tiệp, Chủ tịch xã Tứ Quận khẳng định, thôn Cây Nhãn là thôn thuộc diện 135, điều kiện kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Việc tìm ra giải pháp giúp người dân xóa đói giảm nghèo rất cần những người đi tiên phong như gia đình anh Nguyễn Văn Vĩnh. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã trên 950 ha, trong đó cây ăn quả có múi vốn là thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế. Những mô hình thành công như của gia đình anh Vĩnh thực sự là một điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã. Chính quyền xã đang xem xét để triển khai nhân rộng, phát huy tiềm năng kinh tế từ trồng cây ăn quả, là động lực quan trọng giúp nâng cao đời sống của nông dân, đưa xã Tứ Quận sớm vươn lên thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Dù có được thu nhập cao và ổn định từ vườn cam, anh Vĩnh vẫn miệt mài suy nghĩ, học hỏi thêm những giải pháp canh tác mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế cây trồng. Thời gian tới, anh Vĩnh sẽ đầu tư mở rộng diện tích để trồng thêm khoảng 2.000 gốc cam ghép. Anh luôn mong muốn những kiến thức có được từ thực tế sản xuất của mình có thể giúp ích cho không chỉ người dân trong thôn mà cho bất cứ ai muốn học tập, làm theo.
Nam Sương