Người nghệ sỹ nặng lòng với múa dân tộc

Người nghệ sỹ nặng lòng với múa dân tộc
Dành cả tuổi thanh xuân cho múa  NSND Hoàng Hải kể, khi còn trẻ, ông thích xem kịch, thích nghe hát, nên mơ ước được học ngành âm nhạc. Nhưng khi làm hồ sơ thi vào ngành âm nhạc, lãnh đạo Sở Văn hóa lúc đó đã yêu cầu ông đăng ký học ngành múa, với lý do: “Hát, đã biết hát và hát hay, nên giờ đi học múa là đúng quá”. Vậy là ông bén duyên với nghề múa. 
Người nghệ sỹ nặng lòng với múa dân tộc ảnh 1
Múa Xuân Phả dân gian trong một trích đoạn kịch.
Trong thời gian theo học trường múa, một giảng viên là chuyên gia Liên Xô đã nói một điều mà ông tâm đắc: Các anh học biên đạo từ thầy phương Tây, nhưng đừng rập khuôn, bắt chước theo phong cách và động tác múa của nước ngoài. Phải về quê hương mình, tìm những điệu múa của dân tộc mình, học lại các cụ những nghệ thuật múa dân gian ấy, rồi đưa vào trong tác phẩm, như vậy mới trở thành người biên đạo giỏi. NSND Trịnh Xuân Định, một trong những người thầy của ông, trong quá trình giảng dạy cũng nhắc nhở các biên đạo, không phải tìm kiếm đâu xa, ngay trong tuồng, chèo cũng không thiếu chất liệu vũ đạo…  Chính vì vậy, khi ra trường, trở về quê hương công tác, chàng nghệ sỹ trẻ Hoàng Hải đã lăn lộn ở khắp các vùng miền, đến từng làng, bản tìm hiểu, nghiên cứu và học múa các điệu múa dân gian. Từ múa dân gian của vùng Đông Anh, múa chèo cổ Thanh Hóa, múa chèo thuyền Sông Mã, các điệu khua luống, pồn pông truyền thống của bà con dân tộc Mường, Thái, Thổ, Dao, Khơ mú… Ông say sưa với các điệu múa đến nỗi “quên” cả tuổi xuân: “Tôi đánh mất cả tuổi thanh niên của mình, chỉ bởi lăn lộn ở khắp nơi để xem, sưu tầm, nghiên cứu và học các điệu múa dân gian ở các vùng miền”, NSND Hoàng Hải tâm sự.  Trong số hàng trăm điệu múa mà ông có dịp tìm hiểu, nghiên cứu, điệu múa Xuân Phả (của làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất. Lần đầu tiên xem múa Xuân Phả, ông ngỡ ngàng trước những động tác độc đáo và ngôn ngữ biểu hiện khác biệt so với các điệu múa khác. Ông vô cùng lạ lẫm, thán phục các nghệ nhân khi thực hiện động tác múa giật vai trong điệu Chiêm Thành, rồi thích thú với sự độc đáo trong điệu múa mặt nạ trong điệu Hoa Lang (Hà Lan)...  Hỏi các cụ già trong làng về nguồn gốc của các điệu múa độc đáo này, ông được nghe các cụ kể lại rằng, từ thời nhà Đinh, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu hiền tài đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì trời tối và gặp mưa to, gió lớn. Sứ thần cùng đoàn tùy tùng phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ven sông. Đêm đến, thần Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng bày cách đánh giặc. Sứ giả quay về kinh đô tâu với nhà vua. Nghe có lý, nhà vua lập tức thân hành cùng quan quân lên đường. Khi gặp giặc, nhà vua đã làm đúng như lời dặn của vị Thành hoàng làng và quả nhiên thắng trận.  Đất nước trở lại yên bình, nhà vua mở hội mừng công. Nhớ ơn vị Thành hoàng làng có công lớn, nhà vua đã ban đạo sắc phong hiệu cho Thành hoàng làng Xuân Phả là “Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân”, và truyền cho dân làng Xuân Phả lập đền thờ, đồng thời ban thưởng những điệu múa hát hay nhất, đẹp nhất cho dân làng, đó là năm điệu trò cổ Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Hoa Lang và trò Lục Hồn Nhung (còn gọi là Tú Huần). Trải qua năm tháng, đến nay, người dân làng Xuân Phả vẫn tổ chức lễ hội trò Xuân Phả để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng.Đưa múa Xuân Phả vào sân khấu Yêu vẻ độc đáo về múa Xuân Phả, đến khi nghe kể gốc tích của những điệu múa này, NSND Hoàng Hải càng mê hơn. Ông đã đề nghị lãnh đạo cho anh em trong đoàn nghệ thuật đến Xuân Phả học múa. Khỏi phải nói, trong những năm tháng chiến tranh đó, anh em trong đoàn ca múa tỉnh Thanh Hóa vô cùng vất vả, vừa làm nhiệm vụ biểu diễn động viên tinh thần anh em, chiến sỹ, vừa đi học múa ở các địa phương. Có hôm biểu diễn ở trận địa xong, về ngủ một giấc, hôm sau cả đoàn lại lặn lội lên Xuân Phả học múa. Khi đó, ông Hoàng Hải là người học múa chính. Sau 3 tháng học, các cụ già “lành nghề” nhất ở Xuân Phả như cụ Phủ Thuyết, cụ Đỗ Cừ, Đỗ Ôn cũng rất yên tâm. Mỗi khi có ai hỏi về múa Xuân Phả, các cụ bảo: “Cứ đến hỏi anh Hoàng Hải là biết”.  Sau khi học xong các điệu múa Xuân Phả, trở về đoàn nghệ thuật tỉnh, ông Hoàng Hải vừa truyền dạy cho các thế hệ nghệ sỹ, diễn viên trong đoàn những điệu múa Xuân Phả cổ, để bảo tồn nguyên trạng, đồng thời nghiên cứu, phát triển trò múa Xuân Phả thành những điệu múa mới mang đậm hồn cốt dân tộc. Từ múa Xuân Phả, ông đã phát triển và sáng tác nhiều tác phẩm múa đặc sắc được giải thưởng cao như tác phẩm múa “Đi hội làng Xuân Phả”, múa “Nhịp điệu mùa thi”, giành Huy chương vàng trong các cuộc hội diễn. Nhiều tác phẩm khác như “Chư hầu lai triều” và “Nhịp điệu Xuân Phả”… cũng được ông lấy chất liệu từ các điệu múa Xuân Phả.  Từ thành công dưới ánh đèn sân khấu, ông tiếp tục đưa Xuân Phả tham gia các loại hình nghệ thuật "đường phố" Năm 2001, NSND Hoàng Hải đã dựng một tổ khúc múa Xuân Phả dài ba chương, diễn tại Quảng trường Cách mạng tháng Tám với hơn 200 nghệ sỹ cùng mặt nạ, ngựa roi, làm huyên náo cả một vùng. Năm 2004, điệu múa Xuân Phả mang tên “Nhịp điệu Lam Kinh” được ông biên đạo đưa vào biểu diễn tại Fetival Huế đem lại hứng khởi cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Mới đây, trong quá trình dựng vở kịch kinh điển “Hămlét”, Nhà hát Kịch Việt Nam đã mời NSND Hoàng Hải đến dàn dựng đưa điệu múa mặt nạ trong điệu Hoa Lang vào trong vở diễn, hình ảnh những chiếc quạt mặt đen mặt trắng lật đi lật lại; đã tăng thêm hiệu ứng trong việc mô tả sự nham hiểm, lật lọng của nhân vật Claudius, và để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng khán giả.  “Việc phát triển và đưa những trò múa Xuân Phả vào trong các tác phẩm múa là thành công của chúng tôi, trong việc nghiên cứu và bảo tồn và phát triển múa dân gian. Tôi nghĩ, đó mới là nghệ thuật múa của Việt Nam, mang đậm hồn cốt Việt Nam, và điều đó giúp nghệ thuật múa Việt Nam đứng vững cho đến ngày nay. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục phát huy để múa Xuân Phả mãi lung linh tỏa sáng”, NSND Hoàng Hải khẳng định.
Báo Tin Tức

Có thể bạn quan tâm