Người chăn nuôi ở Trà Vinh có lãi nhờ giá thịt gia súc, gia cầm tăng

Người chăn nuôi ở Trà Vinh có lãi nhờ giá thịt gia súc, gia cầm tăng

Hộ Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh Trà Vinh phấn khởi vì thu được lợi nhuận khá nhờ giá thịt hơi một số vật nuôi như lợn, gà, vịt đều tăng và ổn định kéo dài từ tháng 7/2024 cho đến nay.

Hộ Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở tỉnh Trà Vinh phấn khởi vì thu được lợi nhuận khá nhờ giá thịt hơi một số vật nuôi như lợn, gà, vịt đều tăng và ổn định kéo dài từ tháng 7/2024 cho đến nay.

vna_potal_tra_vinh_nhan_rong_mo_hinh_nuoi_ga_tha_vuon_su_dung_dem_lot_sinh_hoc_4958757.jpg
Nuôi gà thả vườn sử dụng đệm lót sinh học của nông dân xã Long Đức, thành phố Trà Vinh đang được nhân rộng. Ảnh: Thanh Hòa - TTXVN

Ông Võ Thành Khoa, hộ chuyên chăn nuôi gà quy mô trang trại, xã Bình Phú, huyện Càng Long cho biết, từ tháng 7/2024 đến nay giá gà hơi, vịt hơi đều tăng 5.000 -–10.000 đồng/kg. Cụ thể, giá gà hơi nuôi theo hình thức “bán thời gian thả vườn, bán thời gian nuôi nhốt” đạt trọng lượng từ 1,2 kg -–1,5 kg/con ổn định mức giá 63.000 - 65.000 đồng/kg; vịt hơi lông trắng được thương lái thu mua 43.000 - 46.000 đồng/kg.

Theo ông Khoa, để nuôi gà thịt theo phương thức “bán thời gian thả vườn, bán thời gian nuôi nhốt” chi phí tiền con giống, thức ăn mất khoảng 40.000 đồng/kg gà hơi sau 3,5 tháng nuôi; chi phí nuôi vịt thịt tương đương nuôi gà. Với giá gà hơi, vịt hơi như hiện tại người chăn nuôi có lợi nhuận khá sau khi trừ các khoản chi phí thức ăn, thuốc thú y và tỉ lệ hao hụt. Kinh nghiệm của ông Khoa đối nghề chăn nuôi gia cầm hiện nay là cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tiêm ngừa đủ liều và chỉ nuôi 3 đợt trong năm để hạn chế dịch bệnh và tình trạng cung vượt cầu.

Bà Ngô Thị Bé, hộ chuyên chăn nuôi lợn, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành cho biết, gần 2 tháng nay, giá lợn hơi tăng và ổn định ở mức 62.000 – 63.000 đồng/kg. Tuy mức giá lợn hơi tăng không nhiều, nhưng với mức giá này người chăn nuôi quy mô nông hộ đã có lãi khoảng 10.000 đồng/kg lợn hơi. Đây là mức lãi tính theo chi phí chăn nuôi heo bằng thức ăn công nghiệp, nếu hộ chăn nuôi có thêm nguồn thức ăn phụ phẩm sẽ có nguồn lợi nhuận cao hơn.

Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, năm 2024, định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh tập trung vào 4 con nuôi chính, gồm: bò, lợn, dê, gia cầm và ưu tiên cho mô hình chăn nuôi quy mô trang trại, liên kết cùng doanh nghiệp để tạo lợi thế từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm. Tỉnh đề ra kế hoạch chăn nuôi trong năm nay đối với đàn gia cầm khoảng 7,8 triệu con, đàn bò khoảng hơn 258.000 con, đàn lợn hơn 290.000 con và đàn dê 23.000 con. Tổng sản lượng thịt hơi các loại cung ứng cho thị trường đạt khoảng 92.000 tấn.

Để hỗ trợ hộ chăn nuôi an toàn, đảm bảo nguồn thu nhập, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường hỗ trợ nông dân thay đổi nguồn con giống chất lượng cao. Cử cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; xây dựng chuồng trại, các phương án chăn nuôi an toàn để giúp hộ chăn nuôi hạn chế mức thấp nhất rủi ro do dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Theo khuyến khích, hỗ trợ của ngành nông nghiệp tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 1.041 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, với tổng đàn trên 640.100 con, gồm: 4 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, với tổng đàn 7.800 con; 3 trang trại nuôi gà quy mô lớn, tổng đàn 36.000 con; 65 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô vừa, với tổng đàn hơn 257.000; 969 trang trại gia súc, gia cầm quy mô nhỏ, với tổng đàn gần 337.000 con. Trong số trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh có 22 cơ sở tham gia chuỗi liên kết khép kín đầu vào đến đầu ra sản phẩm.

Phúc Sơn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm